Thủ tướng: Vượt nắng, thắng mưa khởi công 3 dự án trọng điểm quốc gia
(Dân trí) - Thủ tướng đánh giá việc khởi công được dự án Vành đai 3 TPHCM hôm nay là một kỳ tích, do tích chất phức tạp trong giải phóng mặt bằng, quy mô đền bù lớn, ảnh hưởng đến nhiều đối tượng người dân...
Thủ tướng bấm nút khởi công dự án Vành đai 3 TPHCM
Hôm nay 18/6, dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TPHCM chính thức khởi công. Dự án nằm trong chuỗi các dự án trọng điểm quốc gia về giao thông được khởi công trong tháng 6.
Buổi lễ có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Hồ Hải, Phó Chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường... và lãnh đạo các cơ quan Trung ương, địa phương...
Lễ khởi công được tổ chức tại đường 9A, phường Long Bình, TP Thủ Đức, TPHCM, ngay trên mặt bằng đã được bàn giao cho chủ đầu tư - Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (Ban Giao thông).
Chủ tịch TPHCM Phan Văn Mãi đã báo cáo sơ bộ về tình hình triển khai dự án Vành đai 3 TPHCM. Ông Mãi gửi lời cảm ơn đến các địa phương, đặc biệt là các hộ dân bị ảnh hưởng đã bàn giao mặt bằng cho dự án được khởi công thuận lợi.
"Đây là dự án "ý Đảng, lòng dân". Để đi đến ngày hôm nay, TPHCM đã nhận được sự quan tâm của các cấp từ Trung ương đến địa phương cùng với sự đồng thuận của người dân. Mong bà con nhân dân tiếp tục đồng hành, là "đồng tác giả" của dự án trọng điểm phía Nam của quốc gia này", ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Trước khi bấm nút khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu: "Đây mới chỉ là bước đầu, sau đó chúng ta còn rất nhiều việc phải làm. Các chủ đầu tư, nhà thầu cần rút kinh nghiệm từ các dự án cao tốc trước và phát huy những gì đang làm tốt. Tất cả cần yêu cầu đảm bảo chất lượng, tiến độ, an toàn trật tự và vệ sinh môi trường, không được đội vốn, quyết liệt chống tham nhũng, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân".
Thủ tướng đặc biệt biểu dương TPHCM vì trong thời gian rất ngắn đã bàn giao mặt bằng để thi công đạt tới 87%.
"Đây là một kỳ tích từ trước đến nay do tích chất phức tạp trong giải phóng mặt bằng qua khu đô thị đông dân cư, quy mô đền bù lớn, ảnh hưởng đến nhiều đối tượng người dân...", Thủ tướng đánh giá.
Cùng ngày, lễ khởi công 2 dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 (tại Đắk Lắk) đồng thời diễn ra.
Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu
Lễ khởi công diễn ra ngày 18/6 tại thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu), do Bộ Giao thông vận tải phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức, với sự tham dự của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, hai tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai.
Việc đầu tư hoàn thành dự án xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 để đưa vào khai thác đồng bộ với đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển; phát huy tối đa tiềm năng của cụm cảng Cái Mép - Thị Vải; đáp ứng nhu cầu vận tải; tạo dư địa, động lực, không gian phát triển vùng Đông Nam Bộ.
Phát biểu tại lễ khởi công, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết dự án thành phần 3 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu là dự án giao thông trọng điểm giúp phát triển vùng Đông Nam Bộ.
Dự án xác định đến năm 2026 phải hoàn thành đưa vào sử dụng, nhằm mở ra tuyến giao thông kết nối các địa phương trong khu vực với hệ thống cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, giúp giảm tải, phá thế độc đạo của tuyến QL51 hiện hữu. Khi công trình đưa vào hoạt động, thời gian di chuyển từ TPHCM đến Bà Rịa dự kiến rút xuống chỉ còn 70 phút thay vì 150 phút như hiện nay.
Cũng trong sáng nay, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khởi công cầu Phước An nối tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu qua Đồng Nai.
Cầu Phước An sẽ kết nối tuyến đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải với huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), kết nối các tuyến cao tốc liên vùng như Bến Lức - Long Thành, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, rút ngắn gần 30km quãng đường vận chuyển hàng hóa đi miền Tây Nam Bộ và ngược lại. Đồng thời, giảm tải cho tuyến đường độc đạo đi Vũng Tàu - Quốc lộ 51 vốn đã quá tải nhiều năm nay.
Dự án cầu Phước An dài 4,7km, tổng mức đầu tư gần 4.900 tỷ đồng.
Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1
Lễ khởi công Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 được tổ chức cùng thời điểm với 2 lễ khởi công nói trên, với sự tham dự của ông Bùi Văn Cường - Tổng thư ký Quốc Hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; ông Nguyễn Văn Thắng - Bộ trưởng Bộ GTVT; lãnh đạo các Bộ, ngành; lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk; lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa.
Dự án có điểm đầu tại nút giao giữa QL 26B và QL1, khu vực cảng Nam Vân Phong thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa); điểm cuối giao với đường Hồ Chí Minh tránh phía Đông TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).
Tổng chiều dài đoạn tuyến khoảng 118km; quy mô rộng nền đường 17m. Tổng mức đầu tư khoảng 21.000 tỷ đồng.
Ông Phạm Ngọc Nghị - Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk - nhấn mạnh, dự án có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đánh thức và phát huy mạnh mẽ các tiềm năng, thế mạnh của hai tỉnh và cả khu vực. Đây là tuyến đường chiến lược "kết nối rừng với biển", nối Tây Nguyên với Duyên hải Nam Trung bộ, kết nối hành lang vận tải Đông - Tây.
"Dự án đi vào hoạt động sẽ góp phần quan trọng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, gắn với tăng cường đảm bảo quốc phòng - an ninh của hai tỉnh và khu vực Nam Trung bộ - Tây Nguyên", ông Phạm Ngọc Nghị nêu rõ.
Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cam kết khẩn trương hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng phần còn lại, đảm bảo bàn giao 100% mặt bằng sạch và các điều kiện cần thiết cho đơn vị thi công trước ngày 31/12; đồng thời giám sát, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đơn vị thi công.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ: "Hôm nay là cột mốc quan trọng. Chúng ta đã vượt nắng, thắng mưa để bước đến ngày khởi công 3 dự án giao thông trọng điểm quốc gia".
Thủ tướng nhận định, 3 dự án khởi công hôm nay đều được áp dụng các cơ chế đặc thù riêng có, nhất là ở TPHCM, gồm:
- Phân cấp phân quyền giao các địa phương chủ lực thực hiện;
- Huy động tổng lực nguồn vốn đồng thời ngân sách Trung ương và địa phương (điển hình là Vành đai 3 TPHCM sử dụng tỷ lệ 50-50);
- Chỉ định thầu để lựa chọn các nhà thầu thi công.
"3 cơ chế này giúp rút ngắn thời gian của dự án, nếu không có thì trong vòng một năm, các địa phương không thể có kết quả như hôm nay", Thủ tướng nói.
Từ 3 dự án khởi công ngày 18/6, Thủ tướng nêu cao quyết tâm phấn đấu đến năm 2030 cả nước có 5.000km cao tốc, kết nối hạ tầng giao thông quốc gia. "Nơi nào có dự án hạ tầng giao thông được đầu tư tốt, nơi đó có tốc độ tăng trưởng cao", Thủ tướng cho hay.