Thủ tướng truyền thông điệp "không chính trị hóa đầu tư phát triển"
(Dân trí) - Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, ở bất cứ nơi đâu cũng cần khuyến khích mọi khoản đầu tư cho phát triển, nhất là đầu tư cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…
Thông điệp này được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi phát biểu tại Hội nghị sáng kiến đầu tư tương lai lần thứ 8 tổ chức tại thủ đô Riyadh, chiều 30/10 (giờ địa phương).
Phát biểu tại hội nghị được ví như Hội nghị "Davos trên sa mạc" với tư cách khách mời chính và lãnh đạo cấp cao duy nhất của châu Á, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao chủ đề "Chân trời vô tận: Đầu tư ngày hôm nay, định hướng cho ngày mai".
Theo ông, đây là cơ hội tốt để các nước cùng trao đổi, chia sẻ, đưa ra sáng kiến hợp tác đầu tư, vượt qua mọi giới hạn để hướng đến tương lai phát triển bền vững, thịnh vượng.
Thúc đẩy hợp tác tại các nước nghèo, nước đang phát triển
Thủ tướng nêu bối cảnh thế giới đang có xu hướng phân cực hóa về trật tự chính trị; đa dạng hóa về thị trường sản phẩm; xanh hóa về sản xuất kinh doanh; số hóa mọi hoạt động của con người, xã hội.
Bối cảnh này ảnh hưởng đến mọi quốc gia, khu vực, mọi lĩnh vực, mọi người dân, nên đòi hỏi mọi chủ thể liên quan phải cùng chung tay giải quyết với cách tiếp cận mang tính tổng thể, toàn dân, toàn diện và toàn cầu.
"Tất cả chúng ta đều ý thức rõ sự cần thiết phải đầu tư một cách có hiệu quả, có trách nhiệm, có định hướng cho tương lai, vì sự phát triển bền vững, bao trùm, toàn diện, thịnh vượng", Thủ tướng nhấn mạnh.
Điều đặc biệt quan trọng được người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh là "không chính trị hóa đầu tư phát triển".
Theo ông, ở bất cứ nơi đâu cũng cần tập trung khuyến khích mọi khoản đầu tư cho phát triển, nhất là đầu tư cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thông tin về tình hình Việt Nam, Thủ tướng cho biết trong bối cảnh nhiều khó khăn, từ một nước nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu và bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh, Việt Nam đã nỗ lực không mệt mỏi, vươn lên thuộc nhóm 34 nền kinh tế lớn trên thế giới; nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại.
Việt Nam cũng đã ký kết 17 hiệp định thương mại tự do, mở cửa thị trường với trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đến nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia.
Thủ tướng mong muốn cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư phát huy vai trò của những nhà tiên phong trong dẫn dắt, định hướng sự phát triển theo tinh thần "đầu tư ngày hôm nay, định hướng cho ngày mai".
Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh cần đồng hành hỗ trợ, giúp đỡ, thúc đẩy hợp tác, đầu tư tại các nước đang phát triển, các nước nghèo, "không để ai bị bỏ lại phía sau.
Quý trọng thời gian và trí tuệ, đẩy mạnh khoa học công nghệ
Vượt qua sự cách xa về địa lý, Thủ tướng cho biết những năm gần đây, các quốc gia Trung Đông đều đặt Việt Nam vào vị trí ưu tiên trong "chính sách hướng Đông" của mình.
Đây là nền tảng quan trọng để hai bên khai thác những tiềm năng, thế mạnh của nhau, bổ trợ cho nhau, đưa quan hệ lên tầm cao mới, theo lời Thủ tướng.
Việt Nam và Ả-rập Xê-út, theo Thủ tướng, có nhiều điểm tương đồng và có những thế mạnh có thể hỗ trợ, bổ sung cho nhau.
Đặc biệt, hai bên đều quý trọng thời gian, trí tuệ, đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu...
"Với vị trí địa lý thuận lợi, hai bên cần phối hợp chặt chẽ, cùng nhau trở thành cầu nối thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và Trung Đông", Thủ tướng nêu định hướng.
Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam mong muốn các đối tác, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư Ả-rập Xê-út, Trung Đông và thế giới tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực các nước có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu, như chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, năng lượng tái tạo, đô thị thông minh, hạ tầng thông minh…
Đưa ra thông điệp tại hội nghị, Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn kiên định chính sách tăng cường thu hút mọi nguồn lực từ bên trong và bên ngoài, nhất là hợp tác công tư, tạo điều kiện thuận lợi, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư.
Việt Nam luôn đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về thể chế, tạo môi trường pháp lý thuận lợi, môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, có tính cạnh tranh cao; không ngừng cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Việt Nam đang tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, logistics để tiết giảm chi phí, thời gian, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm; đầu tư hạ tầng y tế, giáo dục để bảo đảm phúc lợi cho nhà đầu tư.
Việt Nam cũng quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, gắn với phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để góp phần tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả đầu tư.
Đồng thời, theo Thủ tướng, Việt Nam đầu tư củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tạo nền tảng vững chắc để bảo đảm an ninh, an toàn và gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định, lâu dài, thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
"Ả-rập Xê-út có câu ngạn ngữ 'Một bàn tay không tạo nên tiếng'. Việt Nam có tư tưởng Hồ Chí Minh 'Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công'. Chúng tôi tin các doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ cùng đồng hành, tăng cường hợp tác, cùng nhau hướng đến chân trời vô tận, vì một thế giới phát triển an toàn, bền vững, thịnh vượng", Thủ tướng nêu thông điệp trước khi kết thúc bài phát biểu.
Chìa khóa để "cùng làm, cùng thắng"
Sau phát biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham gia phiên trao đổi với bà Zanny Minton Beddoes, Tổng Biên tập Tạp chí Nhà Kinh tế (The Economist).
Thủ tướng cho biết Việt Nam quyết tâm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế. Việt Nam cũng xác định rõ tầm quan trọng của việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh đất nước.
Chiến lược này không chỉ là tập hợp các mục tiêu, mà còn là một lộ trình rõ ràng đưa Việt Nam trở thành một quốc gia tiên phong trong lĩnh vực công nghệ tại khu vực, theo lời Thủ tướng.
Trước câu hỏi về tầm nhìn và lựa chọn của Việt Nam để phát triển, Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẽ luôn thích ứng và luôn hài hòa lợi ích các bên. Bên cạnh đó, Thủ tướng cho rằng chiến lược, tư duy đổi mới, tầm nhìn phù hợp sẽ là chìa khóa để Việt Nam và các nhà đầu tư "cùng làm, cùng thắng".
Hoài Thu (Từ Riyadh, Ả-rập Xê-út)