"Chúng ta có khát vọng và điều kiện, không lý do gì không hợp tác với nhau"

Hoài Thu

(Dân trí) - Chia sẻ với doanh nghiệp Ả-rập Xê-út về định hướng của Việt Nam, Thủ tướng nêu nhiều yếu tố thuận lợi về đầu tư. "Chúng ta có khát vọng và điều kiện, không lý do gì không hợp tác với nhau", ông nói.

Sáng 30/10 (giờ địa phương), Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp lãnh đạo một số tập đoàn lớn của Ả-rập Xê-út, như Tập đoàn Zamil; Công ty Đầu tư nông nghiệp và gia súc Ả-rập Xê-út (Salic).

Doanh nghiệp có thể yên tâm đầu tư hàng trăm năm ở Việt Nam

Zamil là tập đoàn đầu tư công nghiệp lớn nhất Ả-rập Xê-út, có đầu tư tập trung vào các ngành sản xuất vật liệu xây dựng, hóa dầu, thương mại dịch vụ, bất động sản và đầu tư.

Công ty Zamil Industrial và Zamil Steel là các công ty con của Zamil, chuyên sản xuất và chế tạo cung cấp các sản phẩm, hệ thống kỹ thuật và dịch vụ cho ngành xây dựng.

Chúng ta có khát vọng và điều kiện, không lý do gì không hợp tác với nhau - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Chủ tịch HĐQT Công ty Zamil Industrial Abdullah Mohammad Alzamil (Ảnh: Đoàn Bắc).

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định quan hệ Việt Nam và Ả-rập Xê-út về chính trị và ngoại giao rất tốt, nhưng về kinh tế còn chưa tương xứng. Vì vậy, ông đề nghị các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư để thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước.

Chia sẻ về định hướng phát triển của Việt Nam, Thủ tướng nêu rõ mục tiêu hướng đến sản xuất xanh, sản xuất sạch và phát triển bền vững. Bảo vệ môi trường trong sản xuất các ngành như sắt thép, rất cần thiết và quan trọng trong giai đoạn hiện nay, theo lời người đứng đầu Chính phủ Việt Nam.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nhắc tới vấn đề chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh và phân phối hàng hóa. "Việt Nam sẽ đẩy mạnh xây dựng thể chế, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng, ưu tiên cho phát triển xanh, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường", Thủ tướng nêu định hướng "cơ chế chính sách phải đi theo xu thế phát triển mới".

Nhờ hướng đi đúng, trong điều kiện tổng đầu tư toàn cầu sụt giảm, Việt Nam dự kiến thu hút 35-40 tỷ USD đầu tư nước ngoài; xuất nhập khẩu dự kiến đạt 800 tỷ USD, vào top 18-20 nước đứng đầu về xuất nhập khẩu trên thế giới.

Đẩy mạnh phát triển hạ tầng chiến lược để giảm chi phí đầu vào, tạo sự cạnh tranh tốt hơn cho sản phẩm, trong đó tập trung đầu tư hệ thống giao thông, cảng biển và hạ tầng logistics cũng là nội dung được Thủ tướng lưu ý.

Theo ông, việc đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao, xây dựng các cảng biển và sân bay trung chuyển quốc tế, xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc… là những định hướng Việt Nam đang tập trung nhằm tăng tính cạnh tranh của hàng hóa.

Hạ tầng mềm về viễn thông, chuyển đổi số, quản trị thông minh, cũng sẽ góp phần tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, giảm chi phí lao động.

Đặc biệt, theo người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, điều quan trọng là phải nâng cao tay nghề và trình độ của người lao động, kết hợp với phát triển khoa học công nghệ để tăng năng suất lao động, giảm giá thành, tạo cạnh tranh và nâng cao hiệu quả cao đầu tư.

Ngoài ra, Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam đang tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, giữ vững trật tự an toàn - xã hội để các nhà đầu tư có thể yên tâm đầu tư hàng trăm năm mà không lo bị ảnh hưởng bởi chiến tranh hay bất ổn chính trị.

Những nội dung đó, theo Thủ tướng, là những việc Việt Nam đang nỗ lực triển khai để hỗ trợ các nhà đầu tư.

"Chính sách của Việt Nam không phải điều khiến doanh nghiệp lo ngại"

Chủ tịch HĐQT Công ty Zamil Industrial Abdullah Mohammad Alzamil rất ấn tượng với thông điệp Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa nêu. Ông thể hiện đồng ý với quan điểm về bảo vệ môi trường trong sản xuất kinh doanh và khẳng định Tập đoàn này luôn tuân thủ các tiêu chuẩn về môi trường.

Chúng ta có khát vọng và điều kiện, không lý do gì không hợp tác với nhau - 2

Chủ tịch HĐQT Công ty Zamil Industrial Abdullah Mohammad Alzamil rất ấn tượng với thông điệp Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra (Ảnh: Đoàn Bắc).

Ông Abdullah Mohammad Alzami cho biết Tập đoàn đã đầu tư tại Việt Nam được 36 năm, khởi đầu từ một xí nghiệp nhỏ ở Hà Nội nhưng nay đã có 3 cơ sở sản xuất lớn.

Thời gian qua, Zamil đã mở rộng đầu tư, tăng cường tự động hóa để nâng cao năng suất và sức cạnh tranh, theo ông Abdullah Mohammad Alzami. Ông cũng chia sẻ mong muốn đầu tư vào Việt Nam và coi đây là sự đầu tư chiến lược.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khuyến khích doanh nghiệp đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng và mở rộng các cơ sở sản xuất, đồng thời cam kết sẽ tạo điều kiện tối đa cho hoạt động của doanh nghiệp ở Việt Nam.

Ông Sulaiman AIRumaih, Giám đốc điều hành Công ty Đầu tư nông nghiệp và gia súc Ả-rập Xê-út (Salic), chia sẻ rất vui khi nghe tình hình phát triển - xã hội của Việt Nam.

Đánh giá cao việc Việt Nam đưa ra thông điệp và kế hoạch chiến lược trong việc thu hút đầu tư, thông điệp hay khi Việt Nam có kế hoạch và chiến lược phát triển, thu hút đầu tư, ông Sulaiman AIRumaih nói "chính sách của Việt Nam không phải điều khiến doanh nghiệp lo ngại".

Dù chưa có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam, song ông cho biết đơn vị đã có đầu tư gián tiếp thông qua một công ty con, với định hướng mở rộng hợp tác thương mại về gạo và thức ăn chăn nuôi nhằm đảm bảo an ninh lương thực, tạo điều kiện phát triển nhiều ngành, lĩnh vực khác.

Chúng ta có khát vọng và điều kiện, không lý do gì không hợp tác với nhau - 3

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Sulaiman AIRumaih, Giám đốc điều hành Công ty Đầu tư nông nghiệp và gia súc Ả-rập Xê-út (Ảnh: Đoàn Bắc).

Ông Sulaiman AIRumaih khẳng định sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và công nghệ với Việt Nam trong việc cung cấp và chế biến các sản phẩm nông nghiệp.

Lãnh đạo Salic cho biết sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư ở Việt Nam.

Hoan nghênh ý tưởng này, Thủ tướng cho biết nông nghiệp là thế mạnh của Việt Nam nên doanh nghiệp có thể xem xét đầu tư, tổ chức đoàn vào Việt Nam nghiên cứu để cùng các đơn vị của Việt Nam đưa ra giải pháp đầu tư hiệu quả.

Chia sẻ mong muốn sớm được đón doanh nghiệp vào Việt Nam để triển khai công việc cụ thể, Thủ tướng nhấn mạnh "Chúng ta có mong muốn, có khát vọng và có điều kiện, không có lý do gì không hợp tác với nhau".

Hoài Thu (Từ Riyadh, Ả-rập Xê-út)