Thủ tướng trao đổi với Đại sứ Trung Quốc về đường sắt Cát Linh - Hà Đông
(Dân trí) - Ngày 24/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba, trao đổi về vắc xin phòng Covid-19, việc phối hợp tháo gỡ vướng mắc với tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Trao đổi với Đại sứ Hùng Ba, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam coi trọng quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, coi đây là sự lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Thủ tướng nhận định, công cuộc Đổi mới của Việt Nam và sự nghiệp cải cách mở cửa của Trung Quốc đều đang ở giai đoạn then chốt. Việc củng cố và phát triển quan hệ Việt - Trung ổn định, lành mạnh có ý nghĩa quan trọng đối với thành công của mỗi nước và đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, tích cực chủ động hội nhập quốc tế và là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế; Việt Nam không liên minh liên kết với nước này để chống lại nước khác.
Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn, thời gian tới, hai bên tăng cường tin cậy chính trị giữa hai Đảng, hai nước; đẩy mạnh giao lưu, tiếp xúc cấp cao và các cấp; đẩy mạnh hợp tác toàn diện qua kênh Đảng, Nhà nước, quốc phòng, an ninh, nhân dân và giữa các địa phương; phát huy tốt cơ chế Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc.
Trong bối cảnh hiện nay, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, hai bên cần ưu tiên hợp tác phòng chống dịch Covid-19. Thủ tướng nhấn mạnh, cần có cách tiếp cận toàn cầu và bình đẳng về vắc xin, chung tay đoàn kết đẩy lùi dịch bệnh, khẳng định vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất.
Thủ tướng cảm ơn Chính phủ Trung Quốc viện trợ thêm cho Việt Nam 2 triệu liều vắc xin. Đây là sự hỗ trợ quý báu và kịp thời, thể hiện tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau lúc khó khăn. Người lãnh đạo đứng đầu Chính phủ đồng thời mong muốn Trung Quốc tiếp tục hỗ trợ thêm vắc xin, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin và thuốc điều trị Covid-19, trao đổi chuyên gia y tế, chia sẻ phác đồ điều trị, kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh.
Về hợp tác kinh tế, Thủ tướng đề nghị hai bên nỗ lực giải quyết vấn đề nhập siêu của Việt Nam, đưa cán cân thương mại cân bằng, lành mạnh hơn. Ông cũng mong muốn Trung Quốc tạo thuận lợi về thông quan hàng hóa, không để gián đoạn chuỗi cung ứng, tăng cường nhập khẩu hàng hóa Việt Nam vào thị trường Trung Quốc, nhất là các mặt hàng nông, lâm, thủy hải sản, các loại hoa quả mùa vụ.
Vấn đề khác Thủ tướng trao đổi với Đại sứ Trung Quốc là việc phối hợp thúc đẩy tháo gỡ vướng mắc của một số dự án, trong đó có tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Về vấn đề trên biển, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh hai bên cần nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định, xử lý ổn thỏa bất đồng trên biển theo tinh thần nhận thức chung cấp cao, thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển và tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982, nỗ lực cùng ASEAN thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), thúc đẩy đàm phán xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất.
Bày tỏ nhất trí với đánh giá của Thủ tướng Phạm Minh Chính về quan hệ hai Đảng, hai nước, Đại sứ Hùng Ba khẳng định Đảng và Chính phủ Trung Quốc coi trọng quan hệ với Việt Nam, sẵn sàng tăng cường tin cậy chính trị trước hết thông qua tiếp xúc cấp cao.
Đại sứ Trung Quốc cũng cho biết, sau đợt viện trợ 2 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 lần này, Trung Quốc sẵn sàng xem xét tiếp tục hỗ trợ vắc xin cho Việt Nam.
Về kinh tế - thương mại, Đại sứ Hùng Ba nhấn mạnh, Trung Quốc không theo đuổi xuất siêu với Việt Nam, sẵn sàng phối hợp xử lý các vướng mắc trong xuất nhập khẩu, xem xét mở cửa thị trường đối với hàng hóa chất lượng cao của Việt Nam; sớm hoàn tất một số dự án hợp tác trọng điểm trong đó có tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Đại sứ Hùng Ba khẳng định Trung Quốc mong muốn cùng Việt Nam kiểm soát tốt bất đồng, xử lý thỏa đáng vấn đề trên biển theo nhận thức chung cấp cao.