Thủ tướng: Tránh phiền hà, sách nhiễu trong xử lý thủ tục hành chính
(Dân trí) - Nhấn mạnh phải để người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính một cách nhanh chóng, thuận lợi nhất, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tránh phiền hà, sách nhiễu trong giải quyết công việc.
Sáng 19/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính (Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ), chủ trì phiên họp thứ 5 của Ban Chỉ đạo, sơ kết công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm và xác định phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023.
Theo người đứng đầu Chính phủ, đẩy mạnh cải cách hành chính được xác định là một trọng tâm, đột phá trong giai đoạn mới.
Thủ tướng đánh giá công tác cải cách hành chính tiếp tục được cải thiện song vẫn còn rườm rà, vướng mắc trong hoạt động nội bộ của các cơ quan Nhà nước và trong giải quyết công việc, cải cách thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm dẫn tới ách tắc trong giải quyết công việc…
Người đứng đầu Chính phủ quán triệt công tác cải cách hành chính gồm 6 nội dung chính: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Ông đề nghị các cơ quan tiếp tục rà soát lại các công việc trên tinh thần "việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh", làm sao để người dân, doanh nghiệp tiếp cận, thực hiện các thủ tục, công việc một cách nhanh chóng, thuận lợi nhất, tiết giảm chi phí, thời gian, công sức.
"Tránh phiền hà, sách nhiễu, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý những ách tắc trong giải quyết công việc", Thủ tướng lưu ý.
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu làm rõ những hạn chế, tồn tại và đề xuất giải pháp trong cải cách hành chính nhằm khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phục hồi, phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay.
Trong báo cáo của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính gửi tới phiên họp, Bộ Nội vụ cho biết đã tập trung nghiên cứu rà soát, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý cán bộ, công chức, viên chức.
Trong đó, nhiều nội dung đổi mới cơ chế về tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức như đề xuất bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, phân cấp thẩm quyền tổ chức thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, triển khai quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức…
Bộ Nội vụ đang tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước; hoàn thiện Chiến lược quốc gia về thu hút và trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bộ Nội vụ cũng tham mưu Ban cán sự đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị Báo cáo kết quả thực hiện chủ trương bố trí một số chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý không phải là người địa phương.
Cũng theo báo cáo, trong 6 tháng đầu năm có 395 cán bộ, công chức, viên chức bị kỷ luật. Một số địa phương có nhiều cán bộ, công chức, viên chức bị kỷ luật như: Hà Tĩnh (138 người), Quảng Bình (68 người), Đồng Nai (51 người), Đà Nẵng (25 người), Cao Bằng (16 người), Hà Nội (15), Quảng Ngãi (14 người), Yên Bái (13 người)…