1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thủ tướng: Thủy điện vỡ, cột ăng-ten đổ dứt khoát có lỗ hổng quản lý

(Dân trí) - Làm việc tại Bộ Xây dựng về đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực xây dựng sáng 14/8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắc, vụ vỡ đập lần thứ 2 thủy điện Ia Krel, đổ tháp truyền hình, cột ăng-ten… thể hiện những kẽ hở không nhỏ trong công tác quản lý.

Tháp truyền hình, cột ăng-ten đổ - Lỗi do ai?

Góp ý kiến về kết quả thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, Thứ trưởng Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) Nguyễn Mạnh Hiển đánh giá cao những nỗ lực của ngành xây dựng trong việc đơn giản hóa thủ tục. Tuy nhiên, qua thanh kiểm tra một số dự án vừa qua khì khâu mất thời gian nhất vẫn là thủ tục xin cấp phép xây dựng, nhất là đối với các dự án chưa có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500.

Còn về quy định để quản lý chất lượng, chống thất thoát lãng phí khi triển khai công trình xây dựng, Thứ trưởng Hiển cho rằng, bất cập nằm nhiều trong khâu cấp phép, cấp chứng nhận đầu tư.
Thủ tướng: Thủy điện vỡ, cột ăng-ten đổ dứt khoát do lỗ hổng quản lý

Giải thích vấn đề này, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, quy định “siết” quản lý xây dựng trong Nghị định 15 vừa qua hướng đến giải quyết tình trạng này. Theo đó, nếu như vụ thủy điện Sông Tranh 2, vỡ đập thủy điện Ia Krel tại Gia Lai lần thứ 2 hay vụ đổ sập tháp truyền hình Nam Định, đổ cột ăng ten tại Quảng Bình… khó xác định được cơ quan chịu trách nhiệm cho sự cố xảy ra thì quy định mới đã định rõ trách nhiệm, buộc cơ quan quản lý phải kiểm tra, giám sát công trình, dự án. Quy định tiền kiểm với thiết kế kỹ thuật đưa ra tại Nghị định 15 cũng giúp cắt giảm 5-10% chi phí đầu tư công trình, có công trình thậm chí cắt được tới 30% dự toán.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Đặng Huy Đông lại cho rằng, vụ tháp truyền hình, cột ăng ten đổ tại các địa phương là do khâu thiết kế chứ không phải vì khâu chứng nhận đầu tư. Ông Đông đề xuất ban hành thêm một loại giấy phép là chứng nhận chất lượng công trình trước khi đưa vào sử dụng. Thắt quản lý ở khâu này để đảm bảo đơn vị thi công thực hiện đúng thiết kế được duyệt của công trình.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu quan điểm, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nhưng phải đảm bảo an toàn công trình. Từ chuyện sự cố với các tháp truyền hình, cột ăng-ten tại các địa phương, Thủ tướng nhắc đến kế hoạch xây dựng tháp truyền hình cao nhất cả nước của đài truyền hình quốc gia tới đây, dù có làm theo tiêu chuẩn nào, thiết bị công nghệ nhập ở đâu thì đưa về Việt Nam vẫn phải có người đứng ra chịu trách nhiệm về vấn đề an toàn khi lắp đặt, khai thác công trình.

Thủ tướng nhấn mạnh, nhất định phải tiến hành thẩm tra thiết kế xây dựng trước khi thi công công trình, bất kể dự án công hay tư.

“Sự cố vỡ đập lần thứ 2 công trình thủy điện ở Gia Lai vừa qua cho thấy không thể để chủ đầu tư tự quyết định tất cả các khâu, từ thiết kế, thi công, giám sát được mà từ khâu phê duyệt đến cấp phép đầu tư dự án phải có cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm. Việc cột ăng-ten đổ giữa thị xã, phải làm rõ do sai thiết kế hay thiết kế đúng nhưng thi công không tuân thủ” - Thủ tướng nêu quan điểm.

Kẽ hở lớn trong vụ vỡ đập thủy điện lần thứ 2
 
Thủ tướng: Thủy điện vỡ, cột ăng-ten đổ dứt khoát do lỗ hổng quản lý

Tham gia ý kiến, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng ghi nhận quyết tâm cao của Bộ Xây dựng trong việc cải cách thủ tục, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư cũng như trong việc quản lý chất lượng, an toàn với các dự án giao thông.

Nhận định luật Xây dựng mới được Quốc hội thông qua, Bộ Xây dựng đã thể hiện trách nhiệm khi đề ra quy định thẩm định thiết kế kỹ thuật công trình nhưng vị tư lệnh ngành GTVT cũng lo khối lượng công việc phải gánh của cơ quan quản lý nhà nước sẽ rất lớn, nặng nề. Nếu làm đúng, làm nghiêm, khâu thẩm định này sẽ mất rất nhiều thời gian, gây khó khăn cho doanh nghiệp, để đẩy tốc độ, làm nhanh được thì lại rất hình thức. Thách thức về việc phải tăng bộ máy, tăng con người như Bộ trưởng Xây dựng trình bày, ông Thăng cho là rất lớn.

Ông Thăng đối chiếu với câu chuyện của ngành giao thông. Công tác đăng kiểm phương tiện trước nay giải quyết phăng phăng, rất thông thoáng trên cả nước. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, khi lãnh đạo Bộ GTVT quyết làm chặt chẽ, quyết liệt chặn tiêu cực trong đăng kiểm thì ùn ứ công việc bắt đầu xảy ra.

“Như vậy có nghĩa là làm thật, làm đúng thủ tục thì tốc độ khựng lại ngay. Còn trước đó, chủ xe đến đăng kiểm chỉ cần bỏ tiền vào cốp. Đăng kiểm viên mở ra kiểm tra qua loa, thấy tiền là cầm rồi cho qua luôn” – ông Thăng cảnh báo, quy trình thẩm định thiết kế kỹ thuật công trình của ngành xây dựng sẽ dẫn đến những diễn biến tương tự.

Cùng quan điểm với Thứ trưởng Bộ TN-MT, người đứng đầu ngành GTVT đề nghị xét lại thủ tục cấp chứng nhận đầu tư vì quá… hình thức. Bộ trưởng Đinh La Thăng dẫn chứng, toàn bộ dự án mở rộng Quốc lộ 1A, ở tất cả các đoạn, qua miền Trung, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ… đều đã khiển khai, nhiều đoạn sắp hoàn thành rồi nhưng giờ mới được cấp chứng nhận đầu tư vì cả loạt dự án thành phần, Bộ KH-ĐT cũng không đủ người để rải ra đi cấp phép. Mà dự án cần đảm bảo tiến độ nhanh, kịp thời thì cũng không thể ngồi chờ có chứng nhận đầu tư mới làm được.

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định, cải cách thủ tục hành chính của ngành Xây dựng đã tạo nên một bước tiến. Như đánh giá của WB năm vừa qua về năng lực cạnh tranh của Việt Nam, chỉ số giải quyết thủ tục cấp phép xây dựng đứng đầu trong 11 tiêu chí đánh giá, tăng 39 bậc (từ 67 lên 28) trong bảng xếp hạng thế giới (trong khi các tiêu chí khác đều giảm).

Thủ tướng đặt câu hỏi “có thể cải cách thêm nữa” khi người dân, doanh nghiệp vẫn chưa hài lòng, vẫn phản ánh thời gian chờ cấp phép xây dựng vẫn còn dài, thủ tục chưa đảm bảo minh bạch, vẫn còn kẽ hở cho tiêu cực?

“Lập một dự án đầu tư mà từ khâu quy hoạch thới thẩm định dự án, giải quyết thủ tục đất đai… để khởi công xây dựng được đã mất 3-4 năm, thậm chí có dự án tôi biết còn mất 5 năm. Trong khi thời gian là sức mạnh, là chi phí, là cơ hội, là hiệu quả và sức cạnh tranh. Thủ tục như thế tính ra tiền thì rất lớn, lãng phí ghê gớm lắm” – Thủ tướng nhận xét, thủ tục đầu tư vẫn còn nhiều điểm rắc rối, phiền hà mà không phải để quản lý chặt chẽ hơn khi vẫn còn nhiều kẽ hở có khả năng dẫn đến sai sót.

Nhắc lại vụ vỡ đập thủy điện Ia Krel, việc công trình làm gần xong mới được cấp chứng nhận đầu tư BOT, Thủ tướng nhận định, đó là những kẽ hở lớn trong quản lý.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, dồn sức xây dựng các Nghị định, thông tư hướng dẫn các luật lớn Bộ đã dày công soạn thảo thời gian qua như luật Xây dựng, luật Nhà ở sửa đổi… để tiếp tục phát huy kết quả công tác cải cách thủ tục đạt được thời gian qua.
 

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, hiện tại, dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước thông thường phải thực hiện khoảng 15 thủ tục hành chính hoặc nhóm thủ tục hành chính. Chưa tính thời gian chuẩn bị và chỉnh sửa hồ sơ của cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ chủ đầu tư thì tổng thời gian thực hiện các thủ tục hành chính khoảng từ 260 ngày làm việc (dự án nhóm C) đến 280 ngày làm việc (dự án nhóm A) để khởi công được công trình, trong đó đã giảm trừ thời gian khi kết hợp thực hiện đồng thời các thủ tục (như thủ tục liên quan đến sử dụng đất và thủ tục thẩm tra thiết kế xây dựng công trình, thẩm duyệt thiết kế PCCC). Trường hợp dự án đã có quy hoạch chi tiết được phê duyệt thì tổng số thời gian trên có thể rút ngắn được 75 ngày.

Trong đó, khâu giải quyết thủ tục tại cơ quan quản lý đầu tư có 3 nhóm, thời gian giải quyết 80-100 ngày; 3 thủ tục thuộc ngành Tài nguyên-Môi trường, thời gian giải quyết khoảng 80 ngày; 1 thủ tục thuộc ngành Tài chính, thời gian giải quyết từ 6-12 tháng và 3-4 thủ tục thuộc ngành Xây dựng, nếu dự án đã có quy hoạch chi tiết 1/500, thời gian giải quyết khoảng 60-85 ngày, chưa có quy hoạch chi tiết 1/500 thì thời gian giải quyết khoảng 120-190 ngày (đã tính cả thủ tục kiểm tra công tác nghiệm thu, được thực hiện sau khi khởi công công trình từ 15-30 ngày).

P.Thảo