1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thủ tướng: Sẽ lập tổ công tác trực tiếp tháo gỡ vướng mắc cho TPHCM

Việt Đức

(Dân trí) - Thủ tướng yêu cầu lập tổ công tác gồm lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, các Bộ liên quan để giải quyết những vướng mắc của TPHCM thay vì gửi văn bản lòng vòng, chậm xử lý vấn đề.

Trực tiếp làm việc, không gửi văn bản lòng vòng

Kết luận buổi làm việc với lãnh đạo TPHCM sáng 27/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết tình thần của Chính phủ là sẽ thành lập tổ công tác làm việc với TPHCM thường xuyên. Thủ tướng giao Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ làm chủ nhiệm tổ công tác, cơ cấu gồm lãnh đạo các Bộ, ngành có nhiều công việc liên quan TPHCM như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải...

Nhiệm vụ của tổ công tác là cùng tháo gỡ các vướng mắc của TPHCM; tổ công tác sẽ làm việc với đầu mối đại diện cho TPHCM là Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi.

Thủ tướng: Sẽ lập tổ công tác trực tiếp tháo gỡ vướng mắc cho TPHCM - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với TPHCM (Ảnh: TTBC TPHCM).

Thủ tướng cho hay sẽ thí điểm mô hình này với TPHCM rồi sau đó tính toán nhân rộng ra các địa phương khác; đồng thời nhấn mạnh nếu cứ giải quyết công việc theo trình tự thông thường, nhiều văn bản gửi đi lòng vòng giữa các Bộ, ngành có khi 6 tháng hay một năm vẫn chưa đến được Thủ tướng.

Lấy ví dụ về tháo gỡ vướng mắc trong việc bàn giao đất quốc phòng để thực hiện dự án nhà ga hành khách T3 của sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất vừa qua, Thủ tướng cho biết đã trực tiếp chủ trì nhiều phiên họp với lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Thường trực Chính phủ để có thể giải quyết nhanh nhất. Trong khi đó, nếu cứ để các Bộ, ngành làm việc với nhau bằng cách gửi văn bản như thông thường thì có thể 6 tháng nữa cũng chưa giải quyết được. 

Thủ tướng quán triệt tinh thần chung là vấn đề gì thuộc thẩm quyền của Chính phủ nhưng thấy còn vướng mắc, cần cho thí điểm thì đề nghị làm thí điểm ở TPHCM. Vấn đề nào do thực tiễn đặt ra, chưa có luật hoặc vượt quá luật thì có thể mạnh dạn làm thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm rồi mở rộng dần, không cầu toàn nhưng cũng không nóng vội.

7 nhóm kiến nghị của TPHCM

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi kiến nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận cho phép UBND TP được phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý tài sản công đối với phần diện tích đất công nằm xen cài trong khu đất dự kiến tổ chức thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. 

Về công tác quản lý nhà đất, TPHCM kiến nghị được thí điểm tổ chức đấu giá cho thuê quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất với hơn 1.400 cơ sở đất công đang chờ sắp xếp xử lý theo Nghị định 167/2017/NĐ-CP. TP cũng mong muốn Bộ Tài chính sớm hướng dẫn thực hiện việc đấu giá, xác định giá khởi điểm cho thuê các tài sản nêu trên.

TPHCM cũng kiến nghị Thủ tướng chấp thuận cho phép sử dụng 7 khu đất để thanh toán cho các hợp đồng BT với nhà đầu tư dự án giải quyết ngập do triều và dự án xây dựng tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa - Quốc lộ 1 (TP Thủ Đức).

Song song đó, TP cũng kiến nghị Thủ tướng xem xét chấp thuận bố trí nguồn vốn Ngân sách Trung ương (nguồn vốn nhà nước) giai đoạn 2021 - 2025 để đầu tư 3 dự án mua sắm trang thiết bị y tế chuyên môn cho 3 Bệnh viện cửa ngõ của thành phố ở Củ Chi, Hóc Môn và Thủ Đức với tổng nhu cầu vốn 4.500 tỷ đồng.

Với việc thực hiện 2 dự án đường sắt đô thị (metro), TPHCM mong muốn được điều chỉnh thời gian thực hiện 2 tuyến metro, được bố trí đủ vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 để thực hiện dự án xây dựng tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, được chấp thuận dùng ngân sách của thành phố bố trí kinh phí cho Công ty TNHH MTV Đường sắt Đô thị số 1 hoạt động.  

Thủ tướng: Sẽ lập tổ công tác trực tiếp tháo gỡ vướng mắc cho TPHCM - 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát nhà ga ngầm Bến Thành và Ba Son sáng nay (Ảnh: Đoàn Bắc).

TPHCM cũng mong muốn được áp dụng tiêu chuẩn, định mức sử dụng ô tô phục vụ công tác mới vì định mức hiện nay theo Nghị định số 04/2019/NĐ-CP thực tế chưa đáp ứng được nhu cầu phục vụ công tác đối với UBND TP và các đơn vị trực thuộc.

Cuối cùng, TPHCM đề nghị Thủ tướng giao Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn cụ thể đối với các hoạt động thuê dịch vụ hạ tầng thông tin cũng như các nội dung chi phục vụ chuyển đổi số của doanh nghiệp nhằm giúp doanh nghiệp có thể áp dụng chi Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ để chuyển đổi số hiệu quả.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết cơ bản đồng ý với các kiến nghị của TPHCM, giao các Bộ, ngành liên quan trực tiếp làm việc, xử lý vấn đề với lãnh đạo TPHCM. Đặc biệt, giao Văn phòng Chính phủ phải kiểm tra, đôn đốc tiến độ, nêu rõ trong thông báo Bộ, ngành, địa phương phải làm gì, làm đến ngày nào tháng nào phải xong. Nếu vướng mắc ở đâu, Bộ trưởng cùng Chủ tịch UBND TPHCM sẽ cùng xử lý, chưa xử lý được thì cần báo cáo lại Thường trực Chính phủ.