1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thủ tướng phê duyệt quy hoạch TPHCM theo mô hình đô thị đa trung tâm

Q.Huy

(Dân trí) - Theo bản quy hoạch vừa được Thủ tướng phê duyệt, TPHCM sẽ xây dựng các đô thị theo mô hình đa trung tâm, các huyện ngoại thành hiện hữu phấn đấu để nâng cấp lên thành phố.

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký quyết định phê duyệt quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong tương lai, TPHCM được quy hoạch dựa trên quan điểm phát triển nhanh, bền vững, đổi mới mô hình tăng trưởng và là nơi có vị trí chính trị quan trọng của cả nước, thúc đẩy phát triển Đông Nam Bộ, là cực tăng trưởng của vùng động lực phía Nam, vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.

Đến năm 2030, thành phố tập trung sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã dựa trên tiêu chí diện tích, dân số. TPHCM sẽ gồm 1 khu vực đô thị trung tâm và 6 đô thị trực thuộc gồm TP Thủ Đức và 5 đô thị vệ tinh là Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ.

Thủ tướng phê duyệt quy hoạch TPHCM theo mô hình đô thị đa trung tâm - 1

Huyện Hóc Môn là một trong những khu vực ngoại thành của TPHCM được định hướng lên thành phố (Ảnh: Nam Anh).

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, TPHCM cần hình thành không gian phát triển mới thông qua quy hoạch, xây dựng không gian ngầm, không gian nước, không gian số. TPHCM được định hướng tổ chức mô hình đa trung tâm, đa chức năng, hình thành các khu đô thị tri thức sáng tạo, khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ mới. Các đô thị vệ tinh cần cơ bản đạt các tiêu chuẩn để nâng cấp lên thành phố.

Sau năm 2030, TPHCM bắt đầu xây dựng các đô thị theo mô hình đa trung tâm gồm khu vực đô thị trung tâm, TP Thủ Đức, đô thị Củ Chi - Hóc Môn, đô thị Bình Chánh, đô thị quận 7 - Nhà Bè. Đến năm 2050, TPHCM cơ bản hoàn thành xây dựng theo mô hình đa trung tâm.

Ranh giới chính thức của các đô thị sẽ được xác định theo quyết định thành lập đô thị được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Về các mục tiêu cụ thể, TPHCM hướng tới tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 8,5-9%/năm giai đoạn 2021-2030. Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt 385 - 405 triệu đồng, tương đương 14.800-15.400 USD.

Tỷ trọng bình quân trong GRDP của khu vực dịch vụ là trên 60%, khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 27% (trong đó công nghiệp chế biến chế tạo khoảng 22%), khu vực nông, lâm, thủy sản khoảng 0,4%; phấn đấu tỷ trọng kinh tế số trên 40% GRDP.

Theo quy hoạch được phê duyệt, TPHCM dự kiến đến năm 2030 có khoảng 11 triệu người thường trú, đến năm 2050 là khoảng 14,5 triệu người.

Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định 3 đột phá phát triển TPHCM gồm đột phá trong hoàn thiện thể chế, chính sách, đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả quản trị đô thị; đột phá trong huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tái cấu trúc không gian hệ thống đô thị, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng cường liên kết vùng, phát triển các ngành kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội, hoàn thiện, phát triển mô hình khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ; đột phá trong phát triển công nghệ cao, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng đội ngũ doanh nghiệp chiến lược.