1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Thủ tướng phát lệnh thông xe cầu Hưng Hà và tuyến đường bộ trọng điểm Bắc Bộ

(Dân trí) - Sáng 26/1, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tổ chức thông xe công trình cầu Hưng Hà và tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và phát lệnh thông xe.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, các công trình được thông xe, đưa vào khai thác giúp kết nối nền kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, mang tầm chiến lược, đưa năng suất lao động của các địa phương, vùng kinh tế xích lại gần nhau.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương Bộ GTVT, đánh giá cao đơn vị thi công, tư vấn bám sát công trường, chỉ đạo kịp thời, đảm bảo chất lượng công trình, vượt thời gian 5 tháng. Thủ tướng cũng biểu dương sự đóng góp của người dân 2 địa phương Hưng Yên và Hà Nam khi đã có tới 6.000 hộ di dời để triển khai thực hiện tuyến đường đặc biệt quan trọng.

Thủ tướng phát lệnh thông xe cầu Hưng Hà và tuyến đường bộ trọng điểm Bắc Bộ - 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ thông xe các công trình sáng 26/1

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT, Bộ Công an và 2 tỉnh Hưng Yên, Hà Nam đảm bảo an toàn giao thông, xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn giao thông để khai thác hiệu quả các công trình. 

“Các dự án đưa vào khai thác sẽ kết nối, nâng cao khả năng khai thác của hai tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, tạo động lực lớn để phát triển KT-XH của hai tỉnh Hưng Yên, Hà Nam nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ nói chung. Hai bên tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình cần có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đô thị để Hà Nam và Hưng Yên có sức bật mới khi có giao thông thuận lợi.” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Dự án đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình được triển khai với mục tiêu kết nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình nhằm nâng cao khả năng khai thác của hai tuyến cao tốc, đồng thời giảm áp lực giao thông qua Thủ đô Hà Nội.

Thủ tướng phát lệnh thông xe cầu Hưng Hà và tuyến đường bộ trọng điểm Bắc Bộ - 2
Thủ tướng cắt băng khành thành, thông xe các dự án

Điểm đầu tuyến tiếp nối với nút giao liên thông giữa QL39 với đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng (km20+250 thuộc dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng), xã Lý Thường Kiệt, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Điểm cuối tuyến tiếp nối với nút giao Liêm Tuyền (km230+727 thuộc dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình), xã Liêm Tuyền, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Tổng chiều dài tuyến khoảng 47,70km.

Quy mô theo quy hoạch tiêu chuẩn đường cấp II đồng bằng, tốc độ thiết kế 80km/h, mặt cắt ngang gồm 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ. Dự án được chia làm 3 dự án thành phần,

Tổng mức đầu tư dự án là 2.969.118 triệu đồng, trong đó, vốn vay 2.469.283 triệu đồng (tương đương 117 triệu USD), vốn đối ứng là 499.853 triệu đồng. Nguồn vốn: Vốn vay từ Quỹ hợp tác phát triển kinh tế (EDCF) Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Điểm đầu dự án tại Km24+950 thuộc xã Phương Chiểu, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên giao cắt với QL39 (Km38+732-QL39); Điểm cuối dự án tại Km32+259.98, thuộc xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Chiều dài toàn tuyến là hơn 6 km.

Thủ tướng phát lệnh thông xe cầu Hưng Hà và tuyến đường bộ trọng điểm Bắc Bộ - 3
Cầu Hưng Hà được thông xe và đưa vào khai thác

Đối với cầu Hưng Hà, đây là cầu thiết kế vĩnh cửu, có 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ. Cầu có 41 nhịp, kết cấu nhịp chính dùng dầm hộp liên tục bằng bê tông cốt thép dự ứng lực với chiều dài 645m.

Dự án được khởi công tháng 12/2015, đến nay dự án đã hoàn thành đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, các điều kiện về an toàn giao thông và vượt tiến độ 4 tháng so với yêu cầu.

Công trình cầu Hưng Hà và tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đưa vào khai thác sẽ kết nối và nâng cao khả năng khai thác của hai tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, tạo động lực lớn để phát triển kinh tế - xã hội của hai tỉnh Hưng Yên, Hà Nam nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ nói chung.

Châu Như Quỳnh