Thủ tướng Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công dự án Vành đai 4 Vùng thủ đô
(Dân trí) - Thủ tướng đánh giá các địa phương đã có thành công bước đầu khi khởi công dự án đúng hẹn. Tuy nhiên, việc bố trí nguồn lực và giải phóng mặt bằng sẽ là 2 khâu quan trọng nhất.
Sáng 25/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự và bấm nút khởi công dự án Vành đai 4 Vùng thủ đô tại xã Song Phương, Hoài Đức, Hà Nội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ ấn tượng về công tác giải phóng mặt bằng, chuẩn bị thủ tục để khởi công đúng hẹn. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý ban chỉ đạo dự án phải có quyết tâm lớn để đưa công trình vào vận hành đúng hẹn.
Thành công bước đầu nhưng còn nhiều thách thức
"Tôi đánh giá rất cao sự kiểm tra, giám sát của lãnh đạo địa phương. Các bí thư địa phương đều là trưởng ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng. Khi cả hệ thống chính trị vào cuộc, vấn đề GPMB làm tương đối tốt, đến nay đạt 80%", Thủ tướng phát biểu tại lễ khởi công.
Thủ tướng khẳng định việc đầu tư dự án vành đai 4 kết nối Hà Nội với các địa phương sẽ tạo ra không gian phát triển cho cả vùng thủ đô. Dự án sẽ giúp giải tỏa ách tắc giao thông, kết nối Hà Nội với các tỉnh xung quanh.
Biểu dương sự nỗ lực của địa phương trong quá trình chuẩn bị đầu tư, tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý việc khởi công đúng hẹn mới là thắng lợi bước đầu. Công việc tiếp theo còn lớn, cần bám sát tiến độ, phân cấp, rà soát công việc để bố trí thời gian, nguồn lực đẩy nhanh tiến độ dự án.
"Khâu nào cũng quan trọng, nhưng có 2 khâu đặc biệt quan trọng là bố trí nguồn lực và giải phóng mặt bằng, đây là 2 khâu nền tảng", Thủ tướng lưu ý.
Hiện nay, các địa phương còn 20% khối lượng GPMB, chủ yếu là các diện tích dân cư. Thủ tướng dẫn kinh nghiệm cho thấy phần giải phóng mặt bằng còn lại không nhiều, nhưng sẽ là phần khó hoàn thành hơn. Do đó, địa phương cần tiếp tục kiểm tra, đôn đốc.
Để chuẩn bị cho khâu thi công, các địa phương còn phải chuẩn bị một khối lượng lớn vật liệu xây dựng như đất cát, sỏi, đất, bố trí đường công vụ, đường gom, bãi đổ thải...
"Việc có nguyên vật liệu thông suốt, đầy đủ, đảm bảo yêu cầu dự án là việc hay ách tắc. Đề nghị chủ tịch UBND các địa phương phải làm tốt khâu này, phải giải quyết ngay tại hiện trường", Thủ tướng giao nhiệm vụ.
Dự án Vành đai 4 có khối lượng thi công lớn trong khoảng thời gian ngắn, sẽ chịu ảnh hưởng từ thời tiết. Do đó, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các đơn vị phải thi công với tinh thần "vượt nắng thắng mưa", làm "3 ca, 4 kíp", làm "hết việc chứ không hết ngày".
Mảnh ghép trong bức tranh 3.000km đường cao tốc
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết đầu tư cơ sở hạ tầng được xác định là 1 trong 3 đột phá chiến lược mà Đảng và Nhà nước luôn quan tâm triển khai. Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025 cả nước có 3.000km đường cao tốc và năm 2030 là 5.000km.
Nhìn lại từ năm 2000 (thời điểm bắt đầu xây đường cao tốc) đến 2021, cả nước mới hoàn thành được hơn 1.000 km cao tốc. Từ 2021 đến 2025 phải xây thêm 2.000 km. Như vậy trong 5 năm phải hoàn thành gấp 2 lần trong 20 năm vừa qua.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cả nước đưa vào khai thác thêm 566km đường cao tốc, nâng tổng số đường cao tốc cả nước lên 1729km. Các dự án đang tiếp tục triển khai, trong đó có cao tốc vành đai 4 Vùng thủ đô, sẽ bổ sung thêm tổng cộng 1.756km.
"Như vậy, nếu tập trung quyết liệt, từ nay đến 2025 sẽ đạt được mục tiêu có trên 3.000 km đường cao tốc", Thủ tướng khẳng định.
Để triển khai thành công dự án, Thủ tướng nêu 6 nhiệm vụ sắp tới gồm: (1) Đảm bảo tiến độ; (2) Đảm bảo chất lượng; (3) Đảm bảo an toàn; (4) Chống tham nhũng; (5) Chống đội vốn, chia nhỏ gói thầu; (6) Đảm bảo quyền lợi của người dân.
Dự án Vành đai 4 Vùng thủ đô có chiều dài 112,8km (gồm 103,1km đường vành đai 4 và 9,7km tuyến nối). Tổng mức đầu tư dự án là 85.813 tỷ đồng. Thời gian thi công từ năm 2023 đến 2027.
Dự án đi qua 3 tỉnh Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh với 7 dự án thành phần. Trong đó, mỗi tỉnh phụ trách một dự án GPMB, một dự án đường song hành qua địa bàn tỉnh mình. Riêng dự án cầu cạn cao tốc toàn tuyến sẽ đầu tư theo phương thức BOT và giao Hà Nội quản lý.