Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường thăm Ấn Độ
(Dân trí) - Ngày 31/7 và 1/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có chương trình hoạt động phong phú trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ. Đây là lần đầu tiên ông thăm Ấn Độ trên cương vị người đứng đầu Chính phủ.
Tối 30/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Hà Nội, lên đường sang Ấn Độ. Trên cương vị người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng lần đầu tiên thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ theo lời mời của người đồng cấp Narendra Modi.
Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Nguyễn Thanh Hải cho biết đây là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Việt Nam tới Ấn Độ sau 10 năm và là chuyến thăm đầu tiên ở cấp Thủ tướng giữa hai nước, sau khi Việt Nam và Ấn Độ nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.
Theo Đại sứ Nguyễn Thanh Hải, chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Ấn Độ có ý nghĩa rất quan trọng với cả hai nước.
Trước hết, chuyến thăm thể hiện sự coi trọng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta trong quan hệ với Ấn Độ - nước bạn bè hữu nghị truyền thống và Đối tác Chiến lược Toàn diện của Việt Nam, một quốc gia đang vươn lên mạnh mẽ ở khu vực và trên thế giới.
Với Ấn Độ, Thủ tướng Phạm Minh Chính là một trong những lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm sau khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tái đắc cử nhiệm kỳ 3, thể hiện sự coi trọng của bạn đối với quan hệ hai nước.
Cũng theo Đại sứ, chuyến thăm sẽ tạo ra xung lực mới để tăng cường Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai nước được thiết lập năm 2016.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Thanh Bình nhận định quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Ấn Độ phát triển tích cực với nền tảng quan hệ vững chắc và tin cậy chính trị cao.
Quan hệ kênh Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân được mở rộng, thường xuyên duy trì các chuyến thăm, tiếp xúc ở các cấp, các kênh. Các cơ chế hợp tác đối thoại, tiểu ban hợp tác chuyên ngành... được duy trì và phát huy hiệu quả.
Về kinh tế, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng 2,5 lần kể từ khi hai nước nâng cấp lên Đối tác Chiến lược Toàn diện (năm 2016), đạt gần 15 tỷ USD năm 2023.
"Hai nước còn nhiều tiềm năng trong hợp tác thương mại - đầu tư với nhiều thế mạnh như thị trường đông dân nhất thế giới, kinh tế phát triển năng động", ông Bình nhận định.
Ông cho biết các tập đoàn lớn của Ấn Độ đang thúc đẩy triển khai hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực chiến lược như năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến, dầu khí, dược phẩm, hạ tầng cảng biển, logistics.
Về phía Việt Nam, Tập đoàn Vinfast đã khởi công xây dựng nhà máy lắp ráp và sản xuất ô tô tại bang Tamil Nadu, với số vốn cam kết 2 tỷ USD.
Hợp tác trên các lĩnh vực khoa học - công nghệ, thông tin - truyền thông, giáo dục - đào tạo, văn hóa - du lịch đều phát triển tích cực. Hiện nay, giữa hai nước có hơn 50 chuyến bay thẳng mỗi tuần.
"Ấn Độ nằm trong top 3 nước có tốc độ tăng trưởng khách du lịch vào Việt Nam cao nhất, lượng khách du lịch Ấn Độ sang Việt Nam trong 4 năm qua gấp 2,5 lần (từ 170.000 lượt khách năm 2019 lên 400.000 năm 2023)", Thứ trưởng Bộ Ngoại giao thông tin.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, hai nước đang thúc đẩy và tăng cường hợp tác sang các lĩnh vực mới nhiều tiềm năng như năng lượng tái tạo, chip bán dẫn, đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh, chuyển đổi số và công nghệ thông tin, nông nghiệp thông minh và dược phẩm…
Tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ có Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan; Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoàng Xuân Chiến; Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Thế Tùng; Phó ban Đối ngoại Trung ương Ngô Lê Văn.