Thủ tướng Phạm Minh Chính lần đầu tiên thăm Ấn Độ

Hoài Thu

(Dân trí) - Từ ngày 30/7 đến 1/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính lần đầu tiên thăm cấp Nhà nước đến Ấn Độ trên cương vị người đứng đầu Chính phủ.

Nhận lời mời của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ thăm cấp Nhà nước đến Ấn Độ từ ngày 30/7 đến 1/8, theo thông tin từ Bộ Ngoại giao.

Đây là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính trên cương vị người đứng đầu Chính phủ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính lần đầu tiên thăm Ấn Độ - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính (Ảnh: Đoàn Bắc).

Chuyến thăm diễn ra sau khi Ấn Độ tổ chức thành công bầu cử Hạ viện lần thứ 18 với thắng lợi thuộc về Liên minh Dân chủ Quốc gia Ấn Độ (NDA) do Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) làm nòng cốt, Thủ tướng Narendra Modi tái đắc cử nhiệm kỳ 3 liên tiếp.

Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ phát triển tích cực với nền tảng quan hệ vững chắc và tin cậy chính trị cao. Cùng với đó, quan hệ kênh Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân được mở rộng, thường xuyên duy trì các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao và các cấp, ở các kênh.

Quốc phòng - an ninh là trụ cột quan trọng với việc hai nước ký Tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ đối tác quốc phòng và Bản ghi nhớ về tương hỗ hậu cần (6/2022), hợp tác công nghiệp quốc phòng.

Về kinh tế, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng 2,5 lần kể từ khi hai nước nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện (2016), đạt gần 15 tỷ USD trong năm 2023.

Tính đến tháng 5/2024, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt gần 5,94 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đạt 3,56 tỷ USD và nhập khẩu từ Ấn Độ đạt gần 2,38 tỷ USD (ta xuất siêu 1,1 tỷ USD).

Ấn Độ hiện có 380 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng số vốn 1,067 tỷ USD, đứng thứ 24/144 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Theo nhận định, Việt Nam và Ấn Độ còn nhiều tiềm năng trong hợp tác thương mại - đầu tư với nhiều thế mạnh như thị trường đông dân nhất thế giới, kinh tế phát triển năng động.

Gần đây, các tập đoàn lớn của Ấn Độ đã quan tâm đến thị trường Việt Nam trong các lĩnh vực chiến lược như năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến, dược phẩm, hạ tầng, logistics.

Hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân giữa hai nước cũng tiếp tục được tăng cường và mở rộng. Theo số liệu công bố của Tổng Cục du lịch, trong 5 tháng đầu năm 2024, số lượng khách Ấn Độ đến Việt Nam đạt 196.000 lượt, tăng 39,2% so với cùng kỳ năm 2023, xếp trong 10 thị trường gửi khách lớn nhất của Việt Nam. Năm 2023, Việt Nam đã đón khoảng 355.000 lượt khách du lịch Ấn Độ.

Kết nối giữa hai nước về hàng không và hàng hải được đẩy mạnh với 54 chuyến bay thẳng hàng tuần giữa Việt Nam - Ấn Độ.

Bên cạnh đó, hợp tác trên các lĩnh vực khoa học - công nghệ, thông tin - truyền thông, giáo dục - đào tạo, văn hóa - du lịch, giao lưu nhân dân đều phát triển tích cực.

Ấn Độ là thành viên quan trọng, có tiếng nói tại các diễn đàn đa phương và trên trường quốc tế. Về vấn đề Biển Đông, Ấn Độ có lập trường tích cực khi nhấn mạnh định hướng giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế, UNCLOS, ủng hộ đàm phán COC.