Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Lào tại Trung Quốc
(Dân trí) - Gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Côn Minh, Thủ tướng Lào mong thúc đẩy kết nối hai nền kinh tế Lào - Việt, hợp tác cải thiện hệ thống pháp lý nhằm thuận lợi hóa cho hoạt động thương mại - đầu tư.
Nhân dịp tham dự Hội nghị GMS 8, ACMECS 10 và CLMV 11 tại Côn Minh (Trung Quốc), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp song phương với Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone, chiều 6/11.
Người đứng đầu Chính phủ hai nước đã cùng điểm lại hợp tác song phương thời gian qua và nhất trí làm sâu sắc hơn trụ cột hợp tác về quốc phòng - an ninh; tiếp tục giữ gìn an ninh, xây dựng đường biên giới Việt Nam - Lào hòa bình, hữu nghị, ổn định, phát triển bền vững.
Tạo đột phá trong hợp tác kinh tế, thương mại, cũng là nội dung được hai Thủ tướng đặc biệt quan tâm.
Thủ tướng Sonexay Siphandone khẳng định Lào luôn coi trọng và ưu tiên các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, kinh doanh tại Lào, nhất là các lĩnh vực chiến lược như cơ sở hạ tầng, năng lượng, công nghệ cao, kết nối giao thông….
Ông mong thúc đẩy kết nối hai nền kinh tế Lào - Việt, hợp tác cải thiện hệ thống pháp lý nhằm thuận lợi hóa cho hoạt động thương mại - đầu tư.
Đánh giá cao nỗ lực của hai bên trong khai thông một số dự án trọng điểm thời gian qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên duy trì đà tích cực, quyết tâm giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc của các dự án trọng điểm khác theo tinh thần chỉ đạo của hai Bộ Chính trị.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục ưu tiên hỗ trợ Lào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhằm giúp Lào thích ứng với nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới, nhất là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cấp chiến lược và cán bộ quản lý các cấp.
Cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Lam Thiên Lập, Chủ tịch Khu Tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc).
Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng, ủng hộ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các địa phương Việt Nam tăng cường hợp tác với các địa phương Trung Quốc, trong đó có Quảng Tây.
Ông Lam Thiên Lập cũng nhấn mạnh Quảng Tây luôn coi trọng việc tăng cường giao lưu hữu nghị và hợp tác cùng có lợi với các bộ ngành, địa phương Việt Nam, đóng góp thiết thực cho tổng thể quan hệ hai Đảng, hai nước.
Kỳ vọng quan hệ hợp tác tương xứng hơn nữa với tiềm năng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên hợp tác trong triển khai các tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn kết nối Quảng Tây với Việt Nam; làm tốt mô hình thí điểm cửa khẩu thông minh.
Mặt khác, Thủ tướng đề nghị Quảng Tây tạo thuận lợi cho hàng hóa, nhất là nông sản Việt Nam nhập khẩu vào Quảng Tây, trong đó có việc thiết lập Trạm kiểm nghiệm, kiểm dịch.
Hoan nghênh doanh nghiệp Quảng Tây mở rộng đầu tư vào Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực nông nghiệp xanh, năng lượng sạch, phát triển bền vững, Thủ tướng gợi mở cần sớm triển khai nghiên cứu xây dựng mô hình thí điểm Khu hợp tác kinh tế qua biên giới và hợp tác kinh tế số, điện lực, năng lượng sạch.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh nâng cấp, mở mới các cặp cửa khẩu, lối mở trên tuyến biên giới đất liền hai bên đã đạt nhất trí; vận hành an toàn, hiệu quả Khu cảnh quan thác Bản Giốc Đức Thiên.
Chủ tịch Quảng Tây Lam Thiên Lập cũng khẳng định quyết tâm thúc đẩy hợp tác giữa hai bên, đẩy mạnh kết nối giao thông đường bộ, đường sắt, nhất là các tuyến đường sắt từ Quảng Tây kết nối với tuyến đường sắt Đồng Đăng - Hà Nội, Móng Cái - Hải Phòng.
Ông nhất trí sẽ nhanh chóng triển khai thí điểm cửa khẩu thông minh và các biện pháp tạo thuận lợi cho thông quan như thiết lập Trạm kiểm nghiệm, kiểm dịch đối với hàng nông sản Việt Nam; phát huy ưu thế đặc biệt của hai bên để qua Quảng Tây kết nối sâu hơn với lục địa Trung Quốc, sang các nước thứ ba cũng như qua Việt Nam kết nối với các nước ASEAN.
Chủ tịch Lam Thiên Lập mong muốn hai bên mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng hợp tác thương mại, đầu tư, nâng cao hiệu suất thông quan với mô hình "cửa khẩu thông minh", triển khai hợp tác kinh tế số, mua bán điện, tăng cường quản lý biên giới, hợp tác phòng chống tội phạm xuyên biên giới...
Hoài Thu (Từ Côn Minh, Vân Nam, Trung Quốc)