Thủ tướng: Ôn lại ngày tháng khốc liệt, sẵn sàng cho cuộc chiến mới

Quang Phong

(Dân trí) - "Tại cuộc gặp mặt này, chúng ta dành thời gian để ôn lại những ngày tháng khốc liệt và sẵn sàng chuẩn bị cho cuộc chiến mới", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói tại buổi gặp lực lượng y tế tuyến đầu.

Chiều 18/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 gặp mặt đại diện lực lượng y tế tuyến đầu tiêu biểu trong công tác phòng chống dịch Covid-19. "Tại cuộc gặp mặt này, chúng ta dành thời gian để ôn lại những ngày tháng khốc liệt và sẵn sàng chuẩn bị cho cuộc chiến mới", người đứng đầu Chính phủ nói. 

Thủ tướng: Ôn lại ngày tháng khốc liệt, sẵn sàng cho cuộc chiến mới - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu trong buổi gặp mặt đại diện lực lượng y tế tuyến đầu tiêu biểu trong công tác phòng chống dịch Covid-19 (Ảnh: Nhật Bắc).

Những ngày tháng ấy, trong suy nghĩ chỉ có 2 từ "chống dịch"

Phát biểu tại đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là đợt dịch thứ 4 có hàng trăm nghìn cán bộ, y bác sĩ, kỹ thuật viên, nhân viên y tế tại các tỉnh, thành có dịch và gần 20 nghìn thầy thuốc chi viện từ các đơn vị y tế tuyến trung ương và địa phương đã "kề vai sát cánh" cùng các lực lượng tuyến đầu quân đội, công an, tình nguyện viên xung phong vào các điểm nóng Covid-19.

"Đội ngũ cán bộ, y bác sĩ, nhân viên y tế tham gia chống dịch vừa qua đã nỗ lực gấp 2-3 lần so với bình thường. Họ không chỉ phải vượt qua những khó khăn vì phải cứu người trong những hoàn cảnh ngặt nghèo và thiếu thốn, mà còn phải chịu nhiều áp lực rất lớn khi số lượng bệnh nhân tăng lên quá nhanh, phải giành giật sự sống cho nhiều bệnh nhân cùng lúc. Bên cạnh đó là những gian khổ khi phải xa gia đình, người thân kéo dài; làm việc dài ngày trong môi trường lây nhiễm và căng thẳng", Bộ trưởng Long nói.

Bác sĩ Bạch Thái Bình, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai chia sẻ, lương tâm, trách nhiệm của một thầy thuốc là động lực để vượt qua mọi khó khăn, tất cả vì sức khỏe và tính mạng người dân. "Nhiều đêm thức trắng, có mặt tại tất cả các điểm nóng trên địa bàn toàn tỉnh cùng với chính quyền và ngành y tế tuyến huyện, xã tổ chức công tác chống dịch, những tháng ấy, trong suy nghĩ và hành động của mình chỉ còn 2 chữ "chống dịch", bác sĩ Bình nói.

Trong cuộc chiến phòng chống Covid-19, hàng nghìn cán bộ y bác sĩ, nhân viên y tế đã bị nhiễm Covid-19, có người vĩnh viễn ra đi khi vẫn đang tràn đầy hoài bão và cháy bỏng khát vọng cống hiến. "Tôi may mắn hơn hàng chục, hàng trăm đồng nghiệp, đồng đội, đồng chí khác của mình - những người đã mãi mãi ngã xuống trong cuộc chiến chống Covid-19 đầy cam go, khốc liệt này", Thiếu tá Nguyễn Đức Thiện, Cục Y tế, Bộ Công an chia sẻ.

Khẩn trương hoàn chỉnh các cơ chế hỗ trợ lực lượng tuyến đầu

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong phòng chống dịch, không thể miêu tả hết, ghi hết những cam go, khó khăn, khốc liệt trong phòng chống dịch, những gian lao, vất vả, hy sinh thầm lặng của lực lượng tuyến đầu, nhất là ngành y, đặc biệt là của những y bác sĩ trực tiếp điều trị bệnh nhân.

"Chúng ta tự hào, qua mỗi thử thách cam go, đội ngũ y tế của chúng ta càng trưởng thành, cả về bản lĩnh, ý chí, cả về lòng quả cảm, cả về kiến thức chuyên môn và nhất là tình đồng bào, nghĩa đồng chí lớn lao thể hiện qua công việc", Thủ tướng nói.

Thủ tướng: Ôn lại ngày tháng khốc liệt, sẵn sàng cho cuộc chiến mới - 2

Thủ tướng Chính phủ gặp mặt đại diện lực lượng y tế tuyến đầu chống dịch (Ảnh: Nhật Bắc).

Điều đặc biệt, chúng ta đã chứng kiến những nghĩa cử cao cả, đẹp đẽ, những đức hy sinh, những trái tim nhiệt huyết, những tấm lòng nhân ái tỏa sáng… của đội ngũ bác sĩ, cán bộ và nhân viên y tế, thầy thuốc trên cả nước. Như câu chuyện lùi, hoãn kết hôn của nữ điều dưỡng Ngọc Diệp (Bệnh viện Bạch Mai), bác sĩ Đình Hoàng (Bệnh viện Hùng Vương, Phú Thọ); hay vợ chồng bác sĩ Nguyễn Thị Giang - Ðỗ Ngọc Anh (Bệnh viện Kiến An, Hải Phòng) gửi lại con thơ để xung phong lên đường chống dịch... 

Và nhiều bác sĩ, tình nguyện viên đã gần như không nghỉ, liên tục chi viện từ vùng dịch này sang vùng dịch khác, như "bác sĩ 91" Trần Thanh Linh (Bệnh viện Chợ Rẫy) vừa trở về từ Khu công nghiệp Bắc Giang lại bắt tay ngay vào cứu chữa bệnh nhân tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TPHCM…

Để thực hiện thành công chủ trương "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", vừa bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới, Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của lực lượng tuyến đầu vẫn là thường trực, thường xuyên.

"Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương hoàn chỉnh các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu, nhất là lực lượng y tế, bảo đảm công bằng, bình đẳng", Thủ tướng nói.

Dự báo tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường, đội ngũ cán bộ y tế sẽ còn rất nhiều gian nan, vất vả, Thủ tướng đề nghị ngành y tế cùng các lực lượng khác tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, trong đó, hết sức chú trọng thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho đội ngũ tuyến đầu chống dịch, nhất là các y, bác sĩ, nhân viên y tế. 

Bộ Y tế được giao phối hợp với các cơ quan, các địa phương đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vaccine; chuẩn bị vaccine cho năm 2022 và tiêm vaccine cho trẻ em; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine trong nước; chuẩn bị chủ động về thuốc chữa bệnh; có đề án xây dựng ngành "Covid học".

Thủ tướng chúc các y, bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế, thầy thuốc, những chiến sĩ trên mặt trận chống Covid-19, những người gánh vác sứ mệnh cao cả nhưng rất đáng tự hào luôn mạnh khỏe, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, trước hết.