Đề nghị kỷ luật các ông Mai Tiến Dũng, Dương Văn Thái, Phạm Thái Hà
(Dân trí) - Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kỷ luật nhiều lãnh đạo, cựu lãnh đạo của Bắc Giang, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, trong đó có các ông Mai Tiến Dũng, Dương Văn Thái, Phạm Thái Hà...
Báo cáo đề nghị thi hành kỷ luật một số đảng viên vi phạm tại các Đảng bộ: Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Gia Lai, Văn phòng Chính phủ, Cơ quan Văn phòng Quốc hội, được Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét trong kỳ họp 41 vừa diễn ra (ngày 6-7/5).
Báo cáo này đề cập tên nhiều lãnh đạo, cựu lãnh đạo được xác định có vi phạm.
Trong đó gồm các ông: Mai Tiến Dũng, nguyên Ủy viên Trung ương, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Dương Văn Thái, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang; Phạm Thái Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội.
Một số cá nhân khác có vi phạm và bị đề nghị kỷ luật gồm: Hồ Văn Điềm, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai; Lê Tuấn Hồng, nguyên Bí thư Huyện ủy Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh và các ông: Nguyễn Văn Khước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc; Chu Quốc Hải, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường và Hoàng Văn Nhiệm, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Vĩnh Phúc.
Theo cơ quan kiểm tra của Đảng, những cá nhân này đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Những người được nêu tên còn vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận định họ gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận bức xúc, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị công tác, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.
Cơ quan kiểm tra của Đảng quyết định thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng đối với các ông: Chu Quốc Hải, Hoàng Văn Nhiệm.
Đồng thời, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật các ông: Mai Tiến Dũng, Dương Văn Thái, Phạm Thái Hà, Hồ Văn Điềm, Lê Tuấn Hồng, Nguyễn Văn Khước.
Trước đó, ông Mai Tiến Dũng bị khởi tố, bắt tạm giam khi Bộ Công an mở rộng điều tra vụ án Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại tỉnh Lâm Đồng và một số địa phương liên quan.
Ông Mai Tiến Dũng bị cáo buộc Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Còn ông Phạm Thái Hà và Dương Văn Thái, cũng lần lượt bị khởi tố, bắt tạm giam liên quan vụ Thuận An.
Ông Phạm Thái Hà bị Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố bị can, bắt tạm giam hôm 22/4, để điều tra về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.
Ông Dương Văn Thái bị khởi tố, bắt giam hôm 1/5 với cáo buộc Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Bộ Công an cho biết tài liệu điều tra cho thấy trong giai đoạn từ tháng 12/2014 đến tháng 12/2023, Tập đoàn Thuận An đã trực tiếp hoặc liên danh, tham gia và trúng 38 gói thầu tại 16 tỉnh, thành với tổng giá trị trên 23.000 tỷ đồng.
Đặc biệt trong năm 2022-2023, Tập đoàn này phát triển rất nóng, trúng nhiều gói thầu với tổng trị giá 18.000 tỷ, trong đó có những gói thầu thuộc nguồn vốn của chương trình phục hồi kinh tế - xã hội sau Covid-19.
Theo Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an, các bị can liên quan vụ Thuận An như Nguyễn Duy Hưng (Chủ tịch Tập đoàn Thuận An), Phạm Thái Hà, Dương Văn Thái và nhiều bị can khác, đều khai báo với thái độ thành khẩn, khá chi tiết, làm rõ bản chất vụ án. Một số người chủ động khắc phục hậu quả, thiệt hại.