Thủ tướng: Ninh Bình phải vừa đẹp vừa giàu
(Dân trí) - Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành "hiến kế" giúp Ninh Bình phát triển nổi trội, đồng thời nêu rõ Ninh Bình là vùng đất địa linh nhân kiệt, phải vừa đẹp vừa giàu.
Chiều 18/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình. Các Bộ trưởng Nội vụ, GTVT; lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương cùng tham dự buổi làm việc để "hiến kế" giúp tỉnh Ninh Bình phát triển mạnh mẽ hơn.
Báo cáo Thủ tướng, ông Phạm Quang Ngọc - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, cho biết, năm 2021 kinh tế xã hội của tỉnh ổn định và có bước phát triển, tốc độ tăng GRDP đạt 5,73%; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 22.094 tỷ đồng, đứng thứ 14/63 tỉnh, thành phố về số thu.
Năm 2022, kinh tế tiếp tục phục hồi trong trạng thái bình thường mới, tăng trưởng kinh tế 9 tháng (GRDP) đạt 8,32%; riêng quý III tăng 12,64%; dự báo tăng GRDP năm 2022 có thể đạt 8,06%. Dự kiến đến hết năm 2022, tỉnh Ninh Bình sẽ hoàn thành và hoàn thành vượt mức 15 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra (hoàn thành vượt mức 12/15 chỉ tiêu và hoàn thành 1 chỉ tiêu nhiệm kỳ).
Mở đầu cuộc thảo luận, Thủ tướng đề nghị các thành viên đoàn công tác tập trung thảo luận "có cảm xúc, ấn tượng, nhận xét về Ninh Bình". Thủ tướng đề nghị góp ý cho Ninh Bình phát triển tốt hơn, đi đúng hướng, nhất là tận dụng được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh.
Đa số các ý kiến của lãnh đạo các bộ, ngành đều "hiến kế" cho Ninh Bình là tập trung phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, phấn đấu trở thành một trong những trung tâm du lịch quốc gia, có ý nghĩa quốc tế và là hạt nhân của vùng du lịch Đồng bằng sông Hồng.
Theo Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Ninh Bình cần cân nhắc kỹ trong phát triển công nghiệp, nếu có thì nên phát triển công nghệ cao, ít ảnh hưởng đến môi trường. Tỉnh cần có cơ chế chính sách đủ mạnh để trở thành một trong những trung tâm du lịch quốc gia.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết: "Việc đi lại, kết nối của Ninh Bình với Hà Nội và các tỉnh trong khu vực tương đối thuận lợi. Sắp tới, tuyến cao tốc Bắc- Nam phía Đông hoàn thành kết nối còn thuận lợi hơn. Ninh Bình cần phát triển hợp lý, hài hòa giữa công nghiệp và du lịch".
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao kết quả tỉnh Ninh Bình đạt được trong thời gian qua. Trong 10 tháng năm 2022, kinh tế của tỉnh phục hồi, phát triển, GRDP đạt 8,32%. Riêng quý III/2022 tăng 12,64%.
Ninh Bình là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về giải ngân vốn đầu tư công (9 tháng năm 2022 đã giải ngân hơn 3.900 tỷ đồng, bằng 77,6% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao, xếp 5/63 tỉnh thành); dự kiến hoàn thành và vượt kế hoạch 15/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.
Người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ, những việc Ninh Bình cần làm ngay. Trong đó, phải quán triệt thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, các nghị quyết chuyên đề của Trung ương.
Ninh Bình cần đẩy nhanh tiến độ lập và trình thẩm định, phê duyệt Quy hoạch phát triển tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tập trung mọi nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng và liên vùng.
Bên cạnh đó, tỉnh cần chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm hài hòa với phát triển kinh tế; triển khai tích cực, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng cuộc sống người dân trong tỉnh; Tiếp tục tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo…
Thủ tướng cho rằng: "Ninh Bình không giàu không được, phải vừa đẹp vừa giàu". Đồng thời bày tỏ tin tưởng Ninh Bình sẽ làm được, góp phần vào thành tựu chung của cả nước.