Thủ tướng: Nhiệm vụ giữ tăng trưởng dương ngày càng nặng nề

Thái Anh

(Dân trí) - Hôm nay 3/8, Thủ tướng chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 7/2020 của Chính phủ, thảo luận về việc thực hiện mục tiêu kép, nhiệm vụ ngày càng nặng nề khi làn sóng thứ 2 của dịch Covid-19 đã ào tới.

Dự kiến nội dung chương trình phiên họp, Chính phủ sẽ bàn, đề ra các giải pháp xử lý các vấn đề đặt ra, trong đó có phòng chống dịch, vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT hay tình hình thực hiện các gói cứu trợ vừa qua, việc xây dựng Chính phủ điện tử…

Thủ tướng: Nhiệm vụ giữ tăng trưởng dương ngày càng nặng nề - 1
Phiên họp thường kỳ tháng 7/2020 của Chính phủ diễn ra trọn ngày hôm nay, 3/8.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 7, kinh tế vĩ mô tiếp tục được giữ ổn định. Chính sách tiền tệ được thực hiện linh hoạt, chủ động. Chỉ số CPI tháng 7/2020 chỉ tăng 0,4% và giảm 0,19% so với tháng 12 năm trước - mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, bình quân 7 tháng năm 2020, chỉ số CPI vẫn tăng 4,07% so với cùng kỳ.

Nông nghiệp phát triển ổn định nhưng do nắng nóng kéo dài, sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân ở một số địa phương cũng bị ảnh hưởng (khoảng 30 nghìn ha lúa và rau màu bị khô hạn). Chăn nuôi gia cầm tiếp tục phát triển khá với tổng đàn gia cầm tăng 5,5%.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 chỉ tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 1,1% so với cùng kỳ.

Hoạt động thương mại và dịch vụ tháng 7 tiếp tục xu hướng tăng trở lại nhờ các chính sách kích cầu tiêu dùng và du lịch nội địa.

Hoạt động vận tải trong nước cũng sôi động trở lại với mức tăng 7,8% lượng hành khách vận chuyển và tăng 4% lượng hàng hóa vận chuyển so với tháng trước. Tuy nhiên, vận tải ngoài nước của các hãng hàng không tiếp tục gặp nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ở các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục chịu ảnh hưởng của đại dịch. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 7 tháng năm 2020 đạt 285,12 tỷ USD, giảm 1,3% so với cùng kỳ nhưng tích cực là cả nước vẫn xuất siêu 6,5 tỷ USD.

Hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản trên cả nước cơ bản được triển khai tích cực. Nhiều dự án, công trình đang được tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ NSNN tháng 7 (tăng 51,8%) và 7 tháng năm 2020 (tăng 27,2%), mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020.

Những tháng còn lại của năm 2020 được đánh giá là vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ, thách thức khó lường.

Một ngày trước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có cuộc làm việc với các địa phương ĐBSCL. Tại đây, Thủ tướng đã quán triệt tinh thần, song song với nhiệm vụ phòng chống, khắc phục hậu quả của dịch bệnh Coivd-19, về phát triển kinh tế xã hội, phải cố gắng thúc đẩy mọi giải pháp để có tăng trưởng dương.

Đây được xem là nhiệm vụ ngày càng khó, nặng nề khi tác động của đại dịch Covid-19 đối với kinh tế - xã hội Việt Nam thực tế đến thời điểm này đã cho thấy mức độ nghiêm trọng hơn rất nhiều so với các dự báo trước đây.

Nửa đầu năm, mức độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam được dự báo theo 3 kịch bản (cơ sở, tích cực và tiêu cực) lần lượt ở các mức 4,81%, 5,4% và 4,07%. Tuy nhiên, bước sang tháng 7, khi làn sóng thứ 2 của Covid-19 đang bùng phát trở lại với điểm nóng Đà Nẵng, đã lan tới gần 10 tỉnh thành khác, mức dự báo đã phải điều chỉnh, theo 3 kịch bản tương ứng ở trên lần lượt ở các mức: 3%, 4% và 1,5%.

Kịch bản tích cực nhất là các nước kiểm soát được dịch trong quý III/2020, không để bùng phát làn sóng Covid-19 thứ 2 ở diện rộng và bắt đầu mở cửa giao thương, du lịch quốc tế có chọn lọc từ đầu tháng 10/2020 đến lúc này đã được xem là không hiện thực.

Các chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2020, từ nửa đầu năm đã được nhận định không thể hoàn thành nhưng vẫn chưa được xem xét, điều chỉnh tại kỳ họp Quốc hội giữa năm vì thời điểm đó chưa thể khẳng định được diễn biến tình hình nửa sau năm 2020. Chính phủ sẽ có tính toán cụ thể để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm (tháng 10, 11) nay.