1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thủ tướng: Nghiên cứu tên gọi trạm BOT, không sử dụng tên “Trạm Thu giá”

Thủ tướng: Tiếp tục nghiên cứu thêm tên gọi cho trạm thu phí giao thông BOT cho phù hợp, nhưng không sử dụng tên “Trạm Thu giá”.

Tiếp tục phiên họp Chính phủ thường kỳ Chính phủ tháng 5 trong chiều nay (2/6), về vấn đề dư luận quan tâm hiện nay là thay thế tên gọi trạm thu phí BOT, báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết đã thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, lấy ý kiến của nhiều cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người dân.

Cùng với việc phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết Bộ đã nhận được nhiều góp ý của doanh nghiệp và người dân với nhiều tên gọi khác nhau. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa chốt được phương án tên gọi cuối cùng. Bộ kiến nghị Thủ tướng tiếp tục để Bộ nghiên cứu, lấy ý kiến của nhân dân và Quốc hội tại phiên trả lời chất vấn vào thứ 2 tới, qua đó có những điều chỉnh cho hợp lý.

Trước đó, báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, phí giao thông BOT đang thực hiện theo quy định của Luật Giá tương tự như học phí và viện phí. Tuy vậy, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thì cũng không nên thay đổi tên gọi thành Trạm thu giá BOT mà giữ nguyên là Trạm thu phí BOT. Còn mức phí cụ thể vẫn thực hiện theo quy định của Luật giá và được thể hiện trên vé qua trạm.

Kết luận vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tiếp thu ý kiến của các cơ quan chức năng và nhân dân, tiếp tục nghiên cứu thêm tên gọi cho trạm thu phí giao thông BOT cho phù hợp, nhưng không sử dụng tên “Trạm Thu giá”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ Chính phủ tháng 5
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ Chính phủ tháng 5

Cũng trong phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân để chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công. Địa phương, bộ ngành nào không sử dụng kịp thời thì bị kỷ luật và cắt vốn.

Trước mắt, để thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ kinh tế xã hội từ nay đến cuối năm, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung khắc phục các tồn tại yếu kém trong quản lý và điều hành.

“Hôm nay tôi chính thức giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cập nhật kịch bản tăng trưởng quý theo ngành, lĩnh vực; đề xuất, kiến nghị các giải pháp cụ thể để đạt được mục tiêu tăng trưởng và lạm phát đã đề ra, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/6/2018. Đây là việc làm cần thiết để chúng ta điều hành sát với thực tiễn hơn và làm rõ trách nhiệm của cá nhân và đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2018”- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Về thực trạng giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm đến nay chậm so với kế hoạch, kể cả các địa phương kinh tế đầu tàu cả nước, Thủ tướng chỉ đạo: “Về giải ngân vốn đầu tư công, không sử dụng kịp thời thì bị kỷ luật và cắt vốn để đảm bảo giải ngân hết số vốn đã được giao. Còn đôn đốc, kiểm tra, các nghị quyết riêng… thì các bộ, các địa phương phải tập trung lo việc này. Thanh tra, kiểm tra, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân gây chậm trễ”.

Cho rằng, tình trạng tín dụng đen đang diễn ra tại một số địa phương, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tối đa và đẩy lùi tình trạng tín dụng đen cũng như tình trạng cho vay nặng lãi.

Đối với một số vấn đề xảy ra tại Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện chỉ đạo, chấn chỉnh kịp thời, nếu có sai phạm thì xử lý nghiêm, tổ chức lại một cách căn bản Liên đoàn bóng đá Việt Nam.

Nhắc lại thực trạng tỷ lệ nhà vệ sinh tại các trường học và bệnh viện đạt chuẩn vẫn thấp, Thủ tướng một lần nữa yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế khẩn trương khắc phục tình trạng này.

Đối với tình trạng có cả cán bộ xã, một số cán bộ kiểm lâm cũng tham gia phá rừng, Thủ tướng yêu cầu các địa phương và bộ ngành xử lý nghiêm để răn đe.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ quan thường trực thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng Sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu phải có chương trình hành động cụ thể.

Thủ tướng cho biết, dù ngân sách còn khó khăn, nhưng Thủ tướng đã làm việc với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan để xuất dự phòng 1.500 tỷ của năm nay, đề nghị sắp tới bổ sung kế hoạch trung hạn 1.000 tỷ và sẽ dành 36 triệu USD nữa để làm quỹ cho đồng bằng Sông Cửu Long. Trong đó có sử dụng vào việc chống sạt lở vốn đang là vấn đề cấp bách ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan có phương án sử dụng các khoản 1.500 tỷ và 1.000 tỷ này vào những vùng sạt lở và có hiệu quả tốt nhất./.

Theo Vũ Dũng

Vov.vn