Thủ tướng New Zealand thưởng thức bưởi trong vườn quả Bác Hồ
(Dân trí) - Tối 14/11, sau tiệc chiêu đãi chính thức, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã cùng dạo bộ, thăm Nhà sàn Bác Hồ trong Khu Di tích Phủ Chủ tịch.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giới thiệu với Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern về nhà sàn Bác Hồ, cùng cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Thủ tướng hai nước xem những hiện vật và được nghe hướng dẫn viên kể chuyện về Bác.
Thủ tướng hai nước xem những hiện vật và được nghe hướng dẫn viên kể chuyện về Bác.
Đi dạo trong khu vườn của Bác Hồ, Thủ tướng New Zealand tận tay hái quả bưởi và thưởng thức sản vật trong vườn.
Cơ hội mới cho nhiều nông sản Việt Nam
Trước đó, trong buổi chiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì lễ đón chính thức Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern. Sau hội đàm, hai Thủ tướng đã chứng kiến lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác giáo dục giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục New Zealand; Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Giao thông vận tải Việt Nam và Bộ Giao thông vận tải New Zealand về hợp tác hàng không dân dụng.
Tại cuộc hội đàm, hai Thủ tướng đã đề ra các phương hướng để đưa quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - New Zealand tiếp tục phát triển mạnh mẽ, sâu sắc hơn nữa trong thời gian tới, vì lợi ích của mỗi nước, góp phần vào hòa bình, thịnh vượng, hợp tác và phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương.
Thứ nhất, hai bên đã nhất trí tăng cường trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp trên các kênh; thúc đẩy giao lưu nhân dân và hợp tác địa phương; đồng thời triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương hiện có và tiếp tục tìm các cơ chế mới để thúc đẩy hợp tác giữa hai nước. Trên tinh thần đó, hai bên nhất trí phối hợp chuẩn bị tốt cho chuyến thăm chính thức New Zealand tới đây của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc phòng - an ninh nhằm ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống đang ngày càng gia tăng tại khu vực, trong đó có an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh thông tin, tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố, thiên tai, dịch bệnh… Đây là những vấn đề mang tính toàn cầu và tác động tới toàn dân, nên phải kêu gọi đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương để cùng giải quyết, Thủ tướng phát biểu.
Thứ ba, phấn đấu đạt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại hai chiều lên mức 2 tỷ USD vào năm 2024, tiếp tục tạo điều kiện tiếp cận thị trường hơn nữa cho các mặt hàng nông sản của nhau; phối hợp triển khai hiệu quả các hiệp định như: Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Australia - New Zealand, Hiệp định CPTPP, Hiệp định RCEP mà hai bên là thành viên; đồng thời tạo điều kiện gia tăng hơn nữa đầu tư hai chiều.
Thứ tư, Việt Nam hoan nghênh đầu tư từ New Zealand trong các lĩnh vực Việt Nam đang có nhu cầu cao như giáo dục - đào tạo, công nghệ chế biến, chế tạo, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, xây dựng, công nghệ thông tin…, nhất là công nghệ chế biến nông sản sau thu hoạch. Việt Nam cũng đánh giá cao New Zealand tiếp tục cung cấp ODA cho Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, phát triển nông thôn và các lĩnh vực khác.
Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực truyền thống như giáo dục-đào tạo, lao động, nông-lâm-ngư nghiệp, giáo dục, văn hóa-thể thao-du lịch, giao thông vận tải… tương xứng với tiềm năng và nhu cầu của hai nước; đồng thời xúc tiến mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực tiềm năng khác phù hợp với xu thế hiện nay như ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo...
Thứ sáu, tiếp tục thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin và hợp tác cùng có lợi, cùng nhau ứng phó hiệu quả các thách thức chung tại khu vực. Phối hợp thúc đẩy hợp tác tại tiểu vùng Mekong, nhất là trong các lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu, nông nghiệp, ngư nghiệp thông minh, quản lý bền vững nguồn tài nguyên nước, phát triển hạ tầng chất lượng cao, chuyển đổi số…
Hai bên cũng tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982; tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, thực hiện nghiêm túc và đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử (COC) hiệu quả, thực chất và có lợi cho tất cả các bên.
Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cùng đoàn đại biểu cấp cao New Zealand thăm chính thức Việt Nam từ ngày 14-17/11/2022.