Thủ tướng nêu rõ điều cần làm để ASEAN là "tâm điểm của tăng trưởng"
(Dân trí) - Để giữ vững "ASEAN tầm vóc" và là "tâm điểm của tăng trưởng", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh phải nâng cao tính tự cường, đẩy mạnh liên kết kinh tế, mở rộng thị trường nội khối...
Quan điểm này được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ra khi phát biểu tại phiên toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43, sáng 5/9.
Phiên họp diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Jakarta nằm ở Thủ đô Jakarta, Indonesia.
Lãnh đạo các nước ủng hộ chủ đề hợp tác của năm nay "ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng", bởi điều này cho thấy một ASEAN chủ động, kiên cường và bản lĩnh.
ASEAN cần thể hiện bản lĩnh vững vàng, đoàn kết
Nhận định chung về một năm 2023 có nhiều biến động đó là chia sẻ của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên toàn thể. Theo ông, kinh tế thế giới đã có những tín hiệu phục hồi tích cực hơn, song còn nhiều rủi ro, tăng trưởng chưa bền vững, thương mại phục hồi chậm, bất ổn địa chính trị ngày càng phức tạp.
Dù vậy, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đánh giá ASEAN tiếp tục phát triển ổn định, vững vàng với "tầm vóc" ngày càng lớn mạnh, khẳng định vai trò là tâm điểm của tăng trưởng.
ASEAN cũng là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế, là trung tâm của các mạng lưới hiệp định thương mại tự do (FTA) và là trung tâm của các cơ chế hợp tác khu vực quan trọng như ASEAN+1, ASEAN+3, Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS)…
Để giữ vững "ASEAN tầm vóc" và là "tâm điểm của tăng trưởng", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh phải nâng cao tự cường của ASEAN thông qua đẩy mạnh liên kết kinh tế, mở rộng thị trường nội khối, khơi thông các dòng chảy thương mại và đầu tư.
Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam đề nghị các nước ASEAN khẩn trương tháo gỡ điểm nghẽn và rào cản về chính sách và thể chế, duy trì ổn định chuỗi cung ứng nội khối, nhằm nâng cao sức chống chịu của khu vực trước tác động, thách thức từ bên ngoài.
Thủ tướng cũng đề nghị các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN chỉ đạo quyết liệt việc rà soát, nâng cấp cũng như đàm phán mới các FTA giữa ASEAN với các đối tác, nhằm tạo những xung lực phát triển mới cho nền kinh tế khu vực.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, đầu tiên, ASEAN cần xác định bảo đảm hòa bình, an ninh, khu vực. Mỗi nước thành viên phải nêu cao tinh thần đoàn kết, độc lập, tự chủ, tự cường, và tinh thần này phải được thể hiện bằng cả lời nói và hành động.
"Chỉ có như vậy, vai trò của ASEAN mới có thể phát huy thực chất và nhận được sự coi trọng trên thực tế của các đối tác, nhất là các nước lớn", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Trước thực trạng gia tăng cọ xát, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh ASEAN cần thể hiện bản lĩnh vững vàng, đoàn kết để các đối tác tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN, đối thoại và hợp tác thiện chí, tuân thủ tôn chỉ và nguyên tắc do các cơ chế của ASEAN đề ra.
Nhân phiên họp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính thông báo Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức Diễn đàn Tương lai ASEAN về phát triển nhanh, bền vững, lấy người dân làm trung tâm, nhằm bổ trợ cho các diễn đàn, cơ chế chính thức của ASEAN, tạo cơ hội trao đổi rộng rãi về các ý tưởng, sáng kiến cho hợp tác khu vực, góp phần xây dựng Cộng đồng ASEAN tự cường và bền vững.
Đầu tư, thương mại của ASEAN đạt mức kỷ lục
Báo cáo tình hình hợp tác ASEAN trong năm qua, Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn cho biết đà tăng trưởng kinh tế khu vực được giữ vững với dự báo tích cực đạt 4,6%trong năm 2023 và 4,9% năm 2024.
Thương mại của ASEAN ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng gần 15%, đạt 3.800 tỷ USD. Đầu tư cũng đạt mức cao kỷ lục với hơn 224 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo ông Kao Kim Hourn, kinh tế khu vực vẫn tiềm ẩn rủi ro và chịu tác động trực tiếp từ căng thẳng địa chính trị, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, an ninh lương thực...
Trước tình hình đó, ông cho biết ASEAN đang có những chuyển dịch mạnh mẽ theo xu hướng số hóa và phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực và củng cố vai trò mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Trong khi đó, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế Kristalina Georgieva và Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Ajay Banga nhìn nhận ASEAN là một điểm sáng với triển vọng lạc quan trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều khó khăn.
Để hiện thực hóa tâm điểm của tăng trưởng, lãnh đạo các tổ chức quốc tế cho rằng ASEAN cần đẩy mạnh cải cách chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế; dỡ bỏ các rào cản thương mại, đầu tư; chú trọng đầu tư vào sự phát triển con người thông qua giáo dục, y tế….
Trước gia tăng cạnh tranh địa chính trị, ý chí, đoàn kết, hợp tác và tin cậy tiếp tục là những giá trị bền vững của chủ nghĩa đa phương, để vượt qua mọi lực cản của phân mảnh và chia rẽ.
Chiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ cùng lãnh đạo các nước ASEAN và đối tác tham dự phiên khai mạc Diễn đàn ASEAN - Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương.
Đây là sáng kiến của Indonesia trong năm Chủ tịch ASEAN 2023, với mục tiêu khơi mở tiềm năng và cơ hội tăng cường hợp tác, kết nối cho các nước ASEAN và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Diễn đàn tập trung vào 3 chủ đề chính, gồm: Cơ sở hạ tầng xanh và chuỗi cung ứng tự cường; chuyển đổi số và kinh tế sáng tạo; và tài chính bền vững, đổi mới sáng tạo.
Hoài Thu (Từ Jakarta, Indonesia)