Thủ tướng: Muốn phát triển phải xử lý các sai phạm công khai, minh bạch

Quang Phong

(Dân trí) - "Muốn phát triển được thì phải xử lý các sai phạm một cách công khai, minh bạch, dân chủ, bảo đảm công bằng trong sản xuất kinh doanh", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Gói hỗ trợ do ảnh hưởng dịch Covid-19 đạt gần 81.000 tỷ đồng

Phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong tháng 4 có những khó khăn, thách thức như áp lực lạm phát tại các nước, nhiều nước là thị trường lớn của Việt Nam giảm tốc độ tăng trưởng, giá nguyên liệu, chi phí đầu vào tăng, tác động từ tình hình Ukraine, lũ lụt bất thường ở miền Trung.

Tuy nhiên, tiếp nối đà phát triển của quý một, tình hình kinh tế xã hội tháng 4 tiếp tục khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực. Thu ngân sách nhà nước ước đạt 45,7% dự toán, tăng 13,3% so với cùng kỳ, với nguồn thu bền vững hơn từ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Xuất khẩu 4 tháng tăng 16,4%, nhập khẩu tăng 15,7%, xuất siêu khoảng 2,5 tỷ USD…

Thủ tướng: Muốn phát triển phải xử lý các sai phạm công khai, minh bạch - 1

Thủ tướng yêu cầu các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phải triển khai nhanh, đúng, đủ... (Ảnh: Nhật Bắc).

Cùng với đó, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống người dân được cải thiện. Các hoạt động chăm lo đối tượng chính sách, người nghèo được triển khai tích cực, chu đáo, hiệu quả, tiết kiệm, trong đó có các gói hỗ trợ do ảnh hưởng dịch Covid-19 đạt 80.998 tỷ đồng cho 728.319 lượt người sử dụng lao động, trên 49,52 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác.

Công tác phòng chống tham nhũng được chỉ đạo quyết liệt với sự phối hợp tương đối bài bản giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị và có hiệu quả trên thực tế. "Chúng ta xử lý các sai phạm để phát triển. Muốn phát triển được thì phải xử lý các sai phạm một cách công khai, minh bạch, dân chủ, bảo đảm công bằng trong sản xuất kinh doanh", Thủ tướng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nêu rõ, chúng ta không chủ quan, lơ là, "không ngủ quên trên vòng nguyệt quế" như căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, phải tiếp tục rà soát các công việc để đi tiếp chặng đường, thực hiện thành công chương trình công tác của năm 2022, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm.

Người đứng đầu Chính phủ lưu ý một số vấn đề tồn tại, hạn chế như kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro, áp lực lạm phát lớn, nợ xấu có xu hướng tăng. Sự phục hồi chưa đồng đều, một số nơi chưa quyết liệt trong thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, đời sống một bộ phận nhân dân còn khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Thị trường bất động sản, trái phiếu, bất động sản cần tiếp tục được quan tâm theo dõi.

Công khai, minh bạch thị trường trái phiếu, chứng khoán

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm các tháng tới, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục nhất quán giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, kịp thời xử lý các vấn đề nảy sinh có thể tác động tới vĩ mô. Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trực tiếp chỉ đạo công tác này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Bộ trưởng Tài chính phối hợp điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa chủ động, linh hoạt.

Thủ tướng yêu cầu các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phải triển khai nhanh, đúng, đủ, để người dân và doanh nghiệp được hưởng thụ sớm, hưởng thụ thật, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Bên cạnh đó, việc triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; gia hạn nộp thuế; thực hiện các giải pháp bảo đảm công khai, minh bạch cho các thị trường trái phiếu, chứng khoán, bất động sản.

Thủ tướng: Muốn phát triển phải xử lý các sai phạm công khai, minh bạch - 2

Thủ tướng yêu cầu tăng cường thanh tra công tác quản lý nhà nước, phòng chống tham nhũng, tiêu cực (Ảnh: Nhật Bắc).

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện, trình phương án xử lý các vấn đề theo các kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, Bộ Tài chính trình phương án phân bổ, sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước năm 2021, bảo đảm có trọng tâm, tập trung cho các dự án hạ tầng giao thông của chương trình phục hồi và phát triển...

Triển khai hiệu quả mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới, bảo đảm an ninh, an toàn, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch, nhất là trong dịp nghỉ lễ, đẩy nhanh tốc độ phục hồi du lịch. Các thủ tục phải bảo đảm thông thoáng cho du khách nhưng kiểm soát được dịch bệnh.

Thủ tướng yêu cầu đơn vị liên quan tiếp tục rà soát, triển khai các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, đời sống người dân. Chuẩn bị, bảo đảm cho nhân dân nghỉ lễ 30/4-1/5 vui tươi, lành mạnh, bảo đảm an toàn giao thông, an toàn dịch bệnh. Với kỳ thi trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022, Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn, nghiêm túc, chất lượng, chú ý việc lấy ý kiến người dân.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu tăng cường thanh tra công tác quản lý nhà nước, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài. Thanh tra Chính phủ xây dựng chương trình hành động của Chính phủ và chính quyền địa phương về phòng chống  tham nhũng, tiêu cực.

Thủ tướng yêu cầu chủ động, thực hiện tốt công tác truyền thông, không để xảy ra khủng hoảng truyền thông, tăng cường tổ chức các cuộc tọa đàm về các trọng tâm lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ.

Lập 6 tổ công tác đốc thúc việc giải ngân vốn đầu tư công

Thủ tướng yêu cầu thành lập Ban Chỉ đạo triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm trưởng ban, để chỉ đạo và thúc đẩy việc thực hiện các nhiệm vụ của chương trình, bảo đảm tiến độ, chất lượng theo các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; thành lập tổ công tác do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm tổ trưởng để đôn đốc, hỗ trợ Bộ Y tế thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong lĩnh vực y tế.

Cùng với đó, thành lập 6 tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do các Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính làm tổ trưởng để đôn đốc, kiểm tra, thúc đẩy việc phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; kịp thời đề xuất Thủ tướng Chính phủ các giải pháp hiệu quả, khả thi để khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế trong thời gian qua.