Thủ tướng: “Mê Công là không gian an ninh và phát triển trực tiếp của Việt Nam”
(Dân trí) - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, khu vực Mê Công là “không gian an ninh và phát triển” trực tiếp của Việt Nam. Bên cạnh việc góp phần tạo dựng môi trường hoà bình thuận lợi ở khu vực, qua đó đóng góp cho sự ổn định và phát triển của Việt Nam.
Năm 2018, Việt Nam là nước chủ nhà tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Tiểu vùng Mê Công mở rộng lần thứ 6 (GMS6) và Hội nghị cấp cao về Tam giác phát triển Campuchia, Lào, Việt Nam lần thứ 10 (CLV10). Đây là 2 sự kiện quốc tế đa phương quan trọng hàng đầu của nước ta trong năm được tổ chức tại Hà Nội, từ ngày 30-31/3.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cho rằng, trong tổng thể chung, khu vực Mê Công là “không gian an ninh và phát triển” trực tiếp của Việt Nam. Bên cạnh việc góp phần tạo dựng môi trường hoà bình thuận lợi ở khu vực, khu vực này đóng góp cho sự ổn định và phát triển của Việt Nam, hợp tác Mê Công cũng đang triển khai tại Việt Nam với nhiều lợi ích cụ thể.
Thứ nhất, các cơ chế hợp tác Mê Công là kênh quan trọng giúp Việt Nam thu hút được nguồn lực từ các đối tác phát triển phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong nước, góp phần đẩy mạnh tăng trưởng, liên kết vùng, xoá đói giảm nghèo, đặc biệt ở các khu vực biên giới. Tính đến tháng 12/2017, riêng các dự án hợp tác hướng đến mục tiêu kết nối trong khuôn khổ GMS tại Việt Nam có quy mô đạt khoảng 6 tỷ đô la (chiếm khoảng 30% tổng số các khoản huy động của GMS).
Những tên gọi quen thuộc như tuyến đường thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài, hầm đường bộ Hải Vân, dự án nâng cấp cảng Đà Nẵng, cầu quốc tế Mê Công thứ hai nối liền đường bộ từ Thái Lan – Lào –Việt Nam đi ra Biển Đông, Dự án Hành lang Côn Minh – Hải Phòng, Dự án đường cao tốc dài nhất Việt Nam Nội Bài – Lào Cai và rất nhiều chương trình, dự án khác mang lại lợi ích thiết thực cho người dân Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Mê Công.
Thứ hai, hợp tác Mê Công thúc đẩy liên kết kinh tế giữa Việt Nam với các nước trong khu vực. Nhiều thoả thuận hợp tác, quy hoạch phát triển chung quan trọng đã được ký kết, góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư giữa các nước thành viên. Các chương trình hợp tác văn hóa, xã hội cũng đã giúp thúc đẩy giao lưu nhân dân, tăng cường sự hiểu biết, tình cảm và sự gắn bó của người dân ven sông.
Thứ ba, việc tham gia các khuôn khổ hợp tác Mê Công giúp tạo thêm kênh đối thoại với các nước trong lưu vực sông Mê Công và thu hút sự quan tâm, hỗ trợ tài chính, kỹ thuật của các đối tác phát triển về quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Công. Bên cạnh kênh Uỷ hội sông Mê Công Quốc tế (MRC), Việt Nam cũng phối hợp cùng các nước triển khai hợp tác bảo vệ môi trường, an ninh nguồn nước tại các khuôn khổ hợp tác Mê Công khác.
Việt Nam tham gia Chương trình GMS mang lại nhiều trực tiếp (ảnh: Hữu Nghị)
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhận thức rõ tầm quan trọng của khu vực Mê Công, Việt Nam đã và đang tham gia chủ động và tích cực vào tất cả các khuôn khổ hợp tác Mê Công, cùng với các thành viên xây dựng cơ chế làm việc hiệu quả, phát huy thế mạnh của các bên tham gia và đáp ứng nhu cầu phát triển của khu vực.
Châu Như Quỳnh (ghi)