Thủ tướng: "Không phải cứ nhà ở xã hội là làm ở những nơi xa xôi, vắng vẻ"
(Dân trí) - Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, xây dựng nhà ở xã hội phải đảm bảo yếu tố về hạ tầng y tế, giáo dục. Và nhà ở xã hội không phải làm ở những nơi xa xôi, vắng vẻ hay không làm được nhà ở thương mại.
Quan điểm này được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra khi phát biểu kết luận Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, sáng 16/3.
Ghi nhận những kết quả bước đầu của việc phát triển nhà ở xã hội, tuy nhiên, theo Thủ tướng, so với mục tiêu, yêu cầu và mong muốn, việc này vẫn chưa đạt được và còn một số khó khăn.
Địa phương sách nhiễu, doanh nghiệp mất hào hứng
Thủ tướng nêu thực tế nhiều địa phương chưa có sẵn quỹ đất sạch để làm nhà ở xã hội; một số dự án có quy hoạch nhưng lại cấp cho các nhà đầu tư yếu về năng lực, trong khi doanh nghiệp thiếu động lực triển khai vì hiệu quả không cao, dẫn đến chậm triển khai dự án.
"Nếu các địa phương không tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ mà đòi hỏi, gây khó dễ, sách nhiễu, doanh nghiệp cũng sẽ mất hào hứng", Thủ tướng nói.
Thực tế, người đứng đầu Chính phủ cũng cho biết thời gian triển khai thành công một dự án khá lâu, từ 3 đến 5 năm, dẫn tới không hấp dẫn nhà đầu tư có tiềm lực tài chính.
Nhấn mạnh nhà ở xã hội là nhà ở bình thường như loại nhà ở khác, Thủ tướng yêu cầu phải bảo đảm chất lượng, an toàn, hạ tầng về y tế, giáo dục, xã hội và các dịch vụ khác. Nhưng điểm khác, theo Thủ tướng, là phải có cơ chế, chính sách phù hợp cho người mua và người bán.
Người đứng đầu Chính phủ lưu ý nhà ở xã hội không được thiếu hạ tầng, và cũng không phải làm ở những nơi xa xôi, vắng vẻ, những nơi không làm được nhà ở thương mại. Bên cạnh đó ông gợi ý nhà ở xã hội ngoài hình thức mua phải có thêm hình thức thuê và thuê mua.
"Điều quan trọng nhất là khi tổ chức thực hiện phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và linh hoạt, chủ động, sáng tạo trong vận dụng cơ chế, chính sách, luật pháp", Thủ tướng nêu rõ.
Để triển khai nhanh, hiệu quả Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội", Thủ tướng yêu cầu cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền để giảm thời gian, chi phí thực hiện dự án.
Ông giao Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng quy trình rút gọn các thủ tục hành chính lựa chọn nhà đầu tư, triển khai dự án nhà ở xã hội để tiết kiệm thời gian, khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội.
Ngân hàng Nhà nước được giao nghiên cứu, cung cấp gói tín dụng cho người mua trong thời gian 10-15 năm với lãi suất thấp hơn từ 3% đến 5% so với cho vay thương mại; xem xét hạ mức lãi suất cho vay.
Người đứng đầu Chính phủ cũng gợi ý Bộ Tài chính nghiên cứu thành lập Quỹ Nhà ở xã hội, chính sách thuế phù hợp.
Thủ tướng lưu ý các địa phương quy hoạch, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
"Những vùng đất, vị trí đẹp, có lợi thế, phải ưu tiên cho sản xuất, kinh doanh, có như vậy mới tạo công ăn việc làm cho người dân, thu hút người đến làm, mua nhà, phát triển được bất động sản và khu đô thị bền vững", ông nói.
Đề xuất giảm tối đa thủ tục hành chính, giảm lãi suất cho vay
Chia sẻ trước đó, ông Nguyễn Việt Quang (Phó Chủ tịch Tập đoàn VinGroup) cho biết số lượng thủ tục thực hiện dự án nhà ở xã hội nhiều hơn so với dự án nhà ở thương mại dẫn đến thời gian kéo dài. "Tổng thời gian hoàn thành thủ tục dự án nhà ở xã hội từ lúc bắt đầu triển khai đến khi khởi công thường khoảng 2 năm", theo ông Quang.
Bên cạnh đó, ông cho rằng cơ chế ưu đãi, chính sách hỗ trợ với việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng đi kèm nhà ở xã hội chưa rõ ràng. Nếu chủ đầu tư thực hiện đầu tư đồng bộ các công trình này dễ dẫn đến tăng chi phí, tăng giá bán nhà ở xã hội.
Trong khi đó, việc tiếp cận nguồn vốn cho việc đầu tư xây dựng, mua, thuê nhà ở xã hội, vẫn chưa thuận lợi, mức lãi suất cho vay còn cao.
Lãnh đạo Tập đoàn này đề xuất cắt giảm tối đa các thủ tục liên quan đến việc đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội; ban hành danh mục các hạng mục hạ tầng được ngân sách hỗ trợ kinh phí đầu tư; miễn giảm tiền thuê đất đối với các diện tích công trình dịch vụ thương mại trong phạm vi dự án nhà ở xã hội.
Ngoài ra, doanh nghiệp đề nghị xem xét điều chỉnh lãi suất cho vay để đầu tư xây dựng cũng như để mua, thuê nhà ở xã hội.
Ông Nguyễn Văn Thanh Huy (Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Becamex) băn khoăn khi lãi vay cho người lao động vẫn còn cao và thời gian vay cho người lao động còn ngắn.
"Nếu chúng ta kéo dài thời gian vay cho người lao động, sẽ tạo điều kiện lớn cho người lao động được sở hữu nhà ở xã hội", theo ông Huy.
Ông Đỗ Thanh Sơn (Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Công Thương Việt Nam - Vietinbank) cũng nêu thực tế quy định cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân hiện nay bị hạn chế lãi suất sinh lời do bị khống chế ở mức 10%, nên chưa đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư.
Để tạo sức hấp dẫn cho chương trình, có được lãi suất thực sự ưu đãi, phù hợp hơn nữa với người mua nhà, doanh nghiệp làm nhà ở xã hội, ông đề nghị Chính phủ xem xét thành lập quỹ phát triển nhà ở xã hội, nguồn vốn ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội.
Trên cơ sở nguồn ưu đãi này, lãi suất cho vay có thể xem xét thấp hơn lãi suất cho vay thương mại bình thường trên thị trường.
TS Hoàng Văn Cường (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) góp ý cần xác định đúng hơn mục tiêu phát triển nhà ở xã hội.
"Với người thu nhập thấp, việc trang trải cuộc sống cũng đã khó khăn, làm sao có tiền tiết kiệm, tích lũy để trả tiền lãi, trả tiền vốn vay", ông Cường đặt vấn đề và đề nghị có những ưu đãi vượt trội trong phát triển nhà ở xã hội.
Trước hết, về vị trí, thay vì đưa các dự án nhà ở xã hội ra xa trung tâm tỉnh, thành phố, ông Cường đề nghị quy hoạch những vị trí ở gần trung tâm nhưng lợi thế thương mại thấp để xây dựng quỹ nhà ở cho thuê.
"Chỉ cho thuê chứ không bán, như vậy mới đáp ứng được nhu cầu của người thu nhập thấp về chỗ ở", theo ông Cường.