Thủ tướng kêu gọi, hàng loạt cam kết rót vốn giúp Việt Nam phát triển xanh
(Dân trí) - Đã có 9 bản ghi nhớ được ký kết giữa các cơ quan Chính phủ, doanh nghiệp Việt Nam với đối tác quốc tế, nhằm hợp tác, hỗ trợ tài chính cho Việt Nam thực hiện cam kết đề ra về ứng phó biến đổi khí hậu.
Chiều 1/12 theo giờ địa phương, trong khuôn khổ tham dự Hội nghị COP28 tại thành phố Dubai (UAE), Thủ tướng phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Giám đốc toàn cầu Standard Chartered Bank Bill Winters.
Chia sẻ ưu tiên, trọng tâm hợp tác của Việt Nam với lĩnh vực như kinh tế số, kinh tế xanh, Tổng Giám đốc toàn cầu Standard Chartered Bank cho biết đơn vị cũng đã có những đóng góp đáng kể vào kinh tế số ở Việt Nam và những lĩnh vực khác.
Loại bỏ dần các nhà máy điện than ở Việt Nam
Thủ tướng Phạm Minh Chính thông tin về nhiều hoạt động Việt Nam thực hiện sau COP26 và đề nghị Ngân hàng Standard Chartered cho vay với lãi suất ưu đãi để thực hiện các mục tiêu đề ra.
Thủ tướng chia sẻ quan điểm cần huy động hợp tác công tư và các nguồn vốn để xây dựng hạ tầng và mong Ngân hàng Standard Chartered sẽ trao đổi kinh nghiệm, thu xếp nguồn vốn cho Việt Nam.
Tổng Giám đốc toàn cầu Standard Chartered Bank nhắc lại mối quan hệ chặt chẽ với Việt Nam và khẳng định sẽ thúc đẩy mối quan hệ này. Ông đồng thời nêu định hướng loại bỏ dần các nhà máy điện than ở Việt Nam, song cũng cho rằng Việt Nam là nền kinh tế trẻ, không thể loại bỏ được ngay mà cần huy động nguồn vốn tư nhân.
Đồng tình, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng cần có giai đoạn chuyển tiếp từ nhà máy điện than sang các nhà máy điện năng lượng tái tạo. Ông khẳng định Việt Nam luôn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng các nhà đầu tư, để họ yên tâm làm ăn lâu dài tại Việt Nam trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Đồng chủ trì sự kiện "Huy động tài chính thực hiện cam kết của Việt Nam về biến đổi khí hậu" cùng Tổng Giám đốc toàn cầu Standard Chartered Bank chiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính thông tin đã có hàng loạt ký kết hỗ trợ Việt Nam về chuyển đổi xanh.
Ông nhắc lại quan điểm đã chia sẻ từ Hội nghị COP26, trong đó đề cập việc Việt Nam đang phải đối mặt nhiều khó khăn như cạn kiệt tài nguyên, biến đổi khí hậu, già hóa dân số.
"Đây là vấn đề mang tính toàn cầu, toàn dân nên cần hỗ trợ, đoàn kết quốc tế để xử lý vấn đề toàn cầu; cần lấy người dân làm trung tâm, chủ thể để xử lý vấn đề toàn dân", Thủ tướng nhấn mạnh người dân vừa là mục tiêu, vừa là chủ thể, vừa là động lực, vừa là nguồn lực, và là trung tâm của mọi chính sách.
Việt Nam là đối tác hấp dẫn, đáng tin cậy để các quốc gia rót vốn hỗ trợ
Theo người đứng đầu Chính phủ, Việt Nam là nước đang phát triển, có nền kinh tế chuyển đổi nên quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, độ mở cao nhưng sức chống chịu có hạn, cộng thêm nội tại nền kinh tế còn nhiều khó khăn.
"Là nước đang phát triển nhưng Việt Nam vẫn thực hiện cam kết quốc tế đến 2050 đưa phát thải ròng bằng 0, chung tay bảo vệ thế giới", Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam cần hoàn thiện về thể chế, tài chính, công nghệ, quản trị thông minh và nguồn nhân lực.
Ông đồng thời thông tin sau Hội nghị COP26, Việt Nam triển khai tích cực nhiều công việc như xác định xây dựng nền công nghiệp năng lượng tái tạo, xây dựng hệ sinh thái phát triển công nghiệp tái tạo phát triển nhanh nhưng bền vững, có chiến lược chống biến đổi khí hậu đến 2050, xây dựng quy hoạch điện VIII…
Đặc biệt, Việt Nam đang có Đề án trồng 1 triệu ha lúa năng suất cao nhưng ít phát thải đến 2030. "Đây là dự án duy nhất trên thế giới nhằm phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, vừa bảo đảm bảo an ninh lương thực, vừa giảm phát thải ngành nông nghiệp", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thông tin khái quát nhiều kết quả phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp xác lập tầm nhìn mới, tư duy mới, hành động mới để giải quyết vấn đề thực tiễn một cách hiệu quả.
Bên cạnh đào tạo nguồn nhân lực, đổi mới quản trị và phát triển hạ tầng số thật tốt, Thủ tướng lưu ý cần huy động nguồn lực hợp tác công tư để có nguồn tài chính thực hiện cam kết và tham vọng của Việt Nam.
"Cơ chế, chính sách, cách tiếp cận để giải quyết vấn đề thực tiễn phải thông thoáng. Hạ tầng chiến lược phải thông suốt, quản trị phải thông minh giúp Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, chuyển đổi năng lượng góp phần đưa phát thải ròng bằng 0 vào 2050", theo lời người đứng đầu Chính phủ Việt Nam.
Ủng hộ kế hoạch và tham vọng của Việt Nam, Tổng Giám đốc toàn cầu Ngân hàng Standard Chartered Bill Winters cho rằng những hoạt động đang thực hiện cho thấy Việt Nam là đối tác hấp dẫn, đáng tin cậy để các quốc gia rót vốn hỗ trợ.
Ông Bill Winters cho rằng phát triển kinh tế xanh, phát triển năng lượng tái tạo là quá trình chuyển đổi hữu ích và hiệu quả để sử dụng nguồn nhiên liệu mới thân thiện với môi trường.
9 văn kiện hợp tác giữa cơ quan Chính phủ, doanh nghiệp Việt Nam và đối tác quốc tế
1. Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ TN&MT Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế thế giới
2. Bản ghi nhớ hợp tác giữa BIDV và ADB
3. Bản ghi nhớ hợp tác giữa Ngân hàng Standard Chartered và Tập đoàn Sovico
4. Bản ghi nhớ hợp tác giữa Ngân hàng Standard Chartered và Green Solutions
5. Bản ghi nhớ hợp tác giữa Ngân hàng Standard Chartered và GuarantCo
6. Bản ghi nhớ hợp tác giữa Ngân hàng Standard Chartered và BIDV
7. Bản ghi nhớ hợp tác giữa Vietinbank và MUFG
8. Bản ghi nhớ hợp tác giữa Ngân hàng Standard Chartered và PAN
9. Bản ghi nhớ hợp tác giữa Tập đoàn Honeywell và The Green Solutions Việt Nam
Hoài Thu (Từ Dubai, UAE)