Thủ tướng: Hoàn thiện thủ tục để công bố hết dịch Covid-19
(Dân trí) - Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Ban chỉ đạo đánh giá bệnh Covid-19 đủ điều kiện đáp ứng tiêu chí của bệnh truyền nhiễm nhóm B. Việc công bố hết dịch sẽ được thực hiện theo quy định.
Chiều 3/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, chủ trì phiên họp thứ 20 của Ban Chỉ đạo.
Sau khi nghe báo cáo của Bộ Y tế, người đứng đầu Chính phủ nêu rõ Ban Chỉ đạo quốc gia thống nhất đánh giá bệnh Covid-19 đã đủ điều kiện đáp ứng các tiêu chí của nhóm bệnh truyền nhiễm nhóm B theo quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Việc công bố hết dịch theo quy định của pháp luật; thẩm quyền quyết định chuyển bệnh Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B thuộc Bộ Y tế.
Nghiên cứu đưa vaccine Covid-19 vào chương trình tiêm chủng mở rộng
Nhìn lại 3 năm phòng, chống dịch, Thủ tướng nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 gây bất ngờ cho tất cả các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam phòng, chống dịch truyền nhiễm nguy hiểm nhóm A ở quy mô toàn quốc với rất nhiều khó khăn, thách thức lớn, chưa có tiền lệ và kéo dài suốt từ đầu năm 2020 tới nay.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng chúng ta đã thành công trong việc phòng, chống đại dịch Covid-19, đi sau nhưng về trước trong công tác này.
Điều này có được nhờ sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự đồng hành, giám sát của Quốc hội; sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, phù hợp tình hình của Chính phủ; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự ủng hộ của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp; sự hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế.
"Thắng lợi này là thắng lợi của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam", Thủ tướng nhấn mạnh.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục hoàn thiện thủ tục pháp lý liên quan tới việc công bố hết dịch.
Tiếp tục nghiên cứu 7 khuyến cáo của WHO, không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; xây dựng kế hoạch phòng, chống Covid-19 phù hợp tình hình mới.
Khắc phục hậu quả dịch bệnh, ổn định đời sống người dân, nhất là những người chịu hậu quả, tác động của đại dịch, đặc biệt là hàng nghìn trẻ em mồ côi; tôn vinh, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống dịch; giải quyết kịp thời chế độ, chính sách với những người tham gia phòng, chống dịch.
Bộ Y tế được yêu cầu hướng dẫn các bộ ngành, địa phương sửa đổi, bãi bỏ các quy định liên quan dịch bệnh Covid-19.
Thủ tướng đồng thời yêu cầu bộ ngành liên quan chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để ứng phó với các đại dịch có thể xảy ra và dịch Covid-19 có thể quay lại; tiếp tục triển khai tiêm vaccine phòng, chống Covid-19 phù hợp tình hình, nghiên cứu việc tiêm vaccine Covid-19 hàng năm trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Căn cứ hướng dẫn của Bộ Y tế và quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện việc rà soát tình hình dịch bệnh, công bố dịch, công bố hết dịch trên địa bàn theo thẩm quyền.
Thủ tướng yêu cầu tăng cường tuyên truyền, phổ biến, làm rõ vấn đề khác nhau giữa dịch nhóm A và nhóm B để có biện pháp phù hợp.
Sau 20 kỳ họp, Ban Chỉ đạo quốc gia đã hoàn thành nhiệm vụ và thời gian tới, Ban Chỉ đạo sẽ được kiện toàn phù hợp tình hình.
Còn 2.000 ca mắc Covid-19 đang theo dõi, điều trị
Theo báo cáo của Bộ Y tế tại phiên họp, kể từ đầu dịch đến nay, cả nước ghi nhận trên 11,5 triệu ca mắc, hơn 10,6 triệu ca khỏi bệnh (92,1%). Số ca mắc trung bình hàng tháng năm 2021 là 144.000 ca, năm 2022 là 816.000 ca; tỷ lệ tử vong năm 2021 là 1,86%, năm 2022 là 0,1%.
Từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước ghi nhận gần 85.500 ca mắc, trung bình hàng tháng ghi nhận 17.000 ca mắc. Tỷ lệ tử vong giảm mạnh xuống còn 0,02%.
Các ca tử vong ghi nhận trong thời gian này đều là những trường hợp có bệnh nền nặng đang điều trị từ trước, phần lớn có tiền sử chưa tiêm đủ mũi vaccine phòng Covid-19. Hiện còn 1.898 ca đang theo dõi và điều trị.
Hiện nay, tỷ lệ người bệnh Covid-19 nhập viện thấp hơn một số bệnh truyền nhiễm nhóm B và tỷ lệ nặng cũng giảm bằng hoặc thấp hơn một số bệnh truyền nhiễm nhóm B, như sốt xuất huyết, tay chân miệng.
Ngày 5/5 vừa qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố dịch Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế công cộng gây quan ngại toàn cầu, nhưng đại dịch vẫn chưa kết thúc. WHO khuyến nghị các quốc gia chuyển đổi từ việc đáp ứng khẩn cấp sang quản lý bền vững, lồng ghép với các mối đe dọa khác và mang tính dài hạn.