Thủ tướng đề nghị Nhật "cứu" dự án nhiệt điện Ô Môn kéo dài 20 năm
(Dân trí) - Nhắc đến dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn đã kéo dài 20 năm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị phía Nhật Bản làm việc với PVN, EVN để bàn về vấn đề mua khí, bán điện.
Sáng 16/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì tọa đàm bàn tròn với đại diện các doanh nghiệp lớn Nhật Bản. Đây là lần thứ 6 tọa đàm được tổ chức nhằm thúc đẩy hợp tác đầu tư giữa hai nước, cho thấy sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư Việt - Nhật.
Hoàn thiện chính sách mua bán điện trực tiếp
Lắng nghe mong muốn mở rộng đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam của các doanh nghiệp Nhật Bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính định hướng lĩnh vực chuyển đổi xanh, chuyển đổi số đang được hai nước quyết liệt thực hiện.
Thủ tướng cho biết Việt Nam đang tích cực hoàn thiện thể chế liên quan Luật Đất đai, Dầu khí, Điện lực…, là môi trường sinh thái để phát triển xanh; từng bước hoàn thiện chính sách mua bán điện trực tiếp; hoàn thiện thể chế nhằm ưu đãi nội hàm phát triển xanh.
Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam đề nghị các doanh nghiệp Nhật Bản cung cấp tài chính hỗ trợ phát triển xanh, hạ tầng y tế, giao thông xanh ở Việt Nam.
Về các vấn đề cụ thể, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhắc đến dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn đã kéo dài 20 năm qua, đến nay đã giải quyết được để phát triển Trung tâm Nhiệt điện Ô Môn, trong đó Nhật Bản đã đầu tư một nhà máy nhiệt điện ở đây.
Vấn đề còn lại, theo Thủ tướng, là việc đàm phán mua khí, bán điện. Ông đề nghị phía Nhật Bản làm việc với PVN, EVN để bàn về vấn đề này, đồng thời khẳng định Chính phủ sẽ có các chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư.
Về vấn đề cung ứng điện, Thủ tướng khẳng định công suất không thiếu nhưng do điều hành nên có lúc để thiếu, có giải pháp khắc phục, nhất là chuẩn bị cho cao điểm mùa khô sắp tới.
Đề cập một lĩnh vực khác, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhắc đến hợp tác lao động giữa hai nước. Hiện nay, số người Việt Nam ở Nhật Bản lên tới hơn 500.000 người, và có hơn 200.000 người Nhật ở Việt Nam. "Lao động là lĩnh vực hợp tác tiêu biểu giữa Việt Nam và Nhật Bản", Thủ tướng nhấn mạnh.
Liên quan vấn đề khó khăn về thủ tục hành chính, Thủ tướng khẳng định sẽ tiếp thu các ý kiến của doanh nghiệp Nhật Bản để cải tiến, giải quyết cho các doanh nghiệp nước ngoài nói chung, doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng, trong đó tăng cường giải quyết thủ tục hành chính qua mạng.
Đề nghị ngân hàng Nhật tham gia tái cấu trúc ngân hàng yếu kém của Việt Nam
Trước đó, tiếp Chủ tịch Tập đoàn MUFG Mike Kanetsugu, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Chủ tịch MUFG có thêm các chính sách hỗ trợ Việt Nam phát triển chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển khoa học công nghệ.
"Đây là những ưu tiên mà Việt Nam đang tập trung phát triển, trong đó có phát triển công ty tài chính, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Trung tâm tài chính quốc tế của TPHCM, Đà Nẵng", Thủ tướng nhấn mạnh.
Ông tin với tiềm lực của MUFG có thể hỗ trợ Việt Nam thay đổi chiến lược đầu tư. Ví dụ, Việt Nam muốn MUFG tham gia tái cấu trúc các ngân hàng ở Việt Nam, trước hết cần tái cấu trúc Vietinbank ổn định và phát triển, đi đúng hướng, tăng cường chuyển đổi số, tăng cường hoạt động an toàn, lành mạnh, hỗ trợ hiệu quả phát triển các ngành mới nổi, rồi cả lĩnh vực phát triển nhà ở xã hội.
Sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Chủ tịch Ngân hàng Mizuho.
Thủ tướng mong JETRO kêu gọi các nhà đầu tư vào đầu tư Việt Nam, đồng thời đề nghị JETRO tham vấn cho Chính phủ Việt Nam xây dựng chính sách thu hút đầu tư, ưu đãi tập trung vào chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ.
Đối với ngân hàng, Việt Nam mong Mizuho ủng hộ tái cấu trúc các ngân hàng yếu kém của Việt Nam; có chính sách ưu đãi hỗ trợ phát triển 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp, người yếu thế trong xã hội.
Gặp người đứng đầu Chính phủ Việt Nam trước khi dự Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản, Bộ trưởng Kinh tế, Công nghiệp và Thương mại Nhật Bản (METI) Ken Saito chia sẻ mong muốn thúc đẩy hợp tác công nghiệp với tinh thần hai nước cùng hợp tác, sáng tạo ra tương lai.
Đất nước Nhật Bản có một số ngành công nghiệp khá phát triển trên thế giới như năng lượng sạch, kinh tế số, chất bán dẫn, ô tô thế hệ mới, y học công nghệ cao… Vì thế, Nhật Bản mong Việt Nam hợp tác cùng Nhật Bản trong các lĩnh vực này.
Nhất trí quan điểm của Bộ trưởng, Thủ tướng đề nghị Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng và phát triển năng lượng xanh.
Hoài Thu (Từ Tokyo, Nhật Bản)