1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thủ tướng: Chuẩn bị nguồn tiếp tục chương trình tương tự gói 30.000 tỷ

(Dân trí) - Ủng hộ ý kiến đề nghị kéo dài thời hạn giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng của Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, tại phiên họp thường kỳ tháng 3 của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu tính toán cụ thể nguồn ngân sách để triển khai các chương trình hỗ trợ phát triển nhà ở tương tự…

Đây là phiên họp sau cùng với 15 thành viên Chính phủ, trong đó có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. 20/27 người sẽ không tiếp tục tham gia Chính phủ, từ tháng sau (ảnh: Chinhphu.vn).
Đây là phiên họp sau cùng với 15 thành viên Chính phủ, trong đó có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. 20/27 người sẽ không tiếp tục tham gia Chính phủ, từ tháng sau (ảnh: Chinhphu.vn).

Trình bày tại phiên họp ngày 26/3 của Chính phủ, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết việc xử lý gói tín dụng hỗ trợ phát triển nhà ở 30.000 tỷ đồng, Bộ này đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước kéo dài thời hạn giải ngân để người mua nhà yên tâm được hưởng chính sách trọn vẹn. Bộ trưởng Dũng nêu rõ, gói 30.000 tỷ đồng đến thời điểm này đã gần hoàn thành sứ mệnh, dự kiến đến thời hạn 1/6/2016 này, 85% tiền giải ngân xong, chỉ còn lại 1 phần nhỏ mà chỉ cần kéo dài đến cuối năm nay cũng sẽ hoàn tất.

Bộ trưởng Xây dựng đề cập thêm việc Luật Nhà ở năm 2014 có quy định nêu rõ Chính phủ có nhiệm vụ giao Ngân hàng chính sách xã hội và chỉ định một số tổ chức tín dụng dành phần cho vay ưu đãi thường xuyên (tương tự như gói 30.000 tỷ đồng) do ngân sách hỗ trợ để phát triển nhà ở xã hội.

Trước ý kiến này, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình bày tỏ sự tán thành vì theo số liệu thống kê, đến nay các ngân hàng đã ký các hợp đồng tín dụng, cho vay với tổng số tiền 29.600 tỷ đồng rồi (tức tiền cam kết đã đạt 99%), giải ngân cũng đã đạt 21.000 tỷ đồng (tương đương 70%). Đến 1/6 năm nay, chương trình với nguồn tiền tài cấp vốn của Ngân hàng Trung ương cho các Ngân hàng thương mại kết thúc, kết quả xử lý đã “cơ bản”, phần còn lại rất ít nên việc kéo dài hạn giải gân cho đến hết gói là hợp lý mà theo tính toán cũng chỉ hết năm nay là gọn.

Ông Bình cho biết, sau khi tiếp nhận công văn kiến nghị của Bộ Xây dựng, nghe ngóng dư luận xã hội, Ngân hàng nhà nước đã trình Chính phủ đề xuất kéo dài tiếp chương trình này cho đến khi giải ngân hết khoản tiền 30.000 tỷ đồng.

“Ngân hàng nhà nước mong Chính phủ chính thức đưa vào Nghị quyết kỳ họp lần này về việc kéo dài thời hạn giải ngân gói 30.000 tỷ đồng để nhân dân yên tâm và đỡ thắc mắc” - Thống đốc Nguyễn Văn Bình phát biểu.

Về việc triển khai khoản tín dụng ưu đãi thường xuyên Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đề cập, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho hay, để có các chương trình tương tự gói 30.000 tỷ đồng như vừa qua thì Chính phủ tới đây sẽ bàn hướng triển khai.

“Hiện nay, Ngân hàng Chính sách Xã hội có chương trình tín dụng cho người nghèo, mức lãi suất và cách thức huy động vốn đã đề xuất Chính phủ. Tôi cho rằng hình hài chương trình đó rất giống với gói 30.000 tỷ đồng, phù hợp với nội dung quy định, căn cứ thực tiễn, nếu cần có thể nâng thành chương trình quốc gia và đảm bảo dài hạn ổn định” - Thống đốc nêu ý kiến.

“Gật đầu” với những đề xuất trên, tại buổi họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng ý với hướng chỉ đạo để Chính phủ tính toán và có hỗ trợ đối với các khoản cho vay ưu đãi.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước cần tính toán cụ thể nguồn ngân sách để thực hiện hiệu quả các gói hỗ trợ này khi luật đã quy định.

Liên quan đến một thông tin đưa ra trong báo cáo về tình hình kinh tế xã hội quý đầu năm 2016 là chỉ tiêu cải thiện môi trường kinh doanh ở một số lĩnh vực chưa có sự cải thiện như thủ tục cấp phép xây dựng kéo dài thêm 52 ngày (từ 114 lên 166 ngày), Bộ trưởng Xây dựng phản ánh cách hiểu và tính toàn như vậy chưa đúng bản chất.

Luật Xây dựng 2013 đưa ra quy định mới để bịt những lỗ hổng, khiếm khuyết trong luật cũ dẫn đến nhiều rủi ro cho chất lượng công trình xây dựng, dẫn đến thất thoát, lãng phí lớn là bắt buộc thẩm định thiết kế kỹ thuật công trình (tiền kiểm) chặt chẽ hơn. Theo đó, các quy định về thẩm định thiết kế phòng cháy chữa cháy, thẩm định thiết bị kỹ thuật có nêu rõ hạn định thời gian tối đa.

Tuy nhiên, trên thực tế, không thể cộng tổng số ngày quy định cho từng khâu thẩm định để ra tổng thời gian làm thủ tục cấp phép tăng lên 52 ngày vì các cơ quan quản lý chuyên môn tiến hành việc thẩm định các hạng mục thiết kế kỹ thuật song song với nhau, không phải chờ lần lượt thẩm định thiết kế chịu lực xong rồi mới chuyển qua thẩm định thiết kế phòng cháy…

Các quy định trong luật đã được tính toán cân đối để vừa đảm bảo quy trình thông thoáng, thuận lợi nhưng cũng không vì thế mà buông lỏng, dẫn đến nhiều rủi ro, nguy cơ sự cố với công trình xây dựng như hệ quả để lại với nhiều thủy điện thực hiện từ giai đoạn trước.

Chia sẻ quan điểm này nhưng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý Bộ xây dựng tiếp tục rà soát thủ tục để phần nào có thể cải cách, cắt bỏ thì làm triệt để, đồng thời quản lý chặt chẽ việc thiết kế kỹ thuật các công trình, không để tình trạng xây dựng sai quy hoạch, gây hậu quả nghiêm trọng.

“Quy trình thủ tục làm sao cho đơn giản nhưng phải đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước. Hoạt động xây dựng phải tuân thủ quy hoạch, đảm bảo an toàn cháy nổ và an toàn kỹ thuật, đồng thời cũng không được để các nhà đầu tư phải xếp hàng dài trước cơ quan cấp phép xây dựng” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

P.Thảo

Thủ tướng: Chuẩn bị nguồn tiếp tục chương trình tương tự gói 30.000 tỷ - 2