1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thủ tướng chủ trì chiêu đãi cấp nhà nước các đại biểu tham dự IPU-132

(Dân trí) - Tối 31/3/2015, tại Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân đã chủ trì chiêu đãi Cấp Nhà nước các đại biểu tham dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-32) đang diễn ra tại Thủ đô Hà Nội.

Tham dự tiệc chiêu có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới Saber Chowdhury, Tổng thư ký Liên minh Nghị viện thế giới Martin Chungong cùng các đại biểu đến từ 166 Nghị viện thành viên trên toàn thế giới.

Nhiệt liệt chào mừng các đại biểu tham dự Đại hội đồng IPU-132 tại Thủ đô Hà Nội - Thành phố Vì hòa bình và mến khách của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, việc tổ chức Đại hội đồng IPU 132 là sự kiện đối ngoại đặc biệt quan trọng của Việt Nam, thể hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ và chủ động, tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Chúc mừng thành công của Đại hội đồng IPU 132, Thủ tướng cho rằng, việc Đại hội đồng sẽ thông qua Tuyên bố của IPU tại Hà Nội và các Nghị quyết quan trọng khẳng định vai trò của IPU không chỉ là diễn đàn hợp tác Nghị viện đa phương lớn nhất thế giới mà còn đóng góp vào hành trình cùng Liên hợp quốc xây dựng Chương trình nghị sự vì phát triển bền vững trên toàn cầu sau năm 2015.

Khái quát những thành tựu phát triển của Việt Nam sau 30 năm đổi mới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, từ một đất nước chịu nhiều đau thương mất mát để chống ngoại xâm, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, Việt Nam đã nỗ lực vượt qua đói nghèo cùng sự tàn phá tàn bạo, nặng nề, của chiến tranh để vươn lên trở thành quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình. Việt Nam đã chuyển đổi thành công từ nền kinh tế tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam bình quân đạt khoảng 7%/năm trong gần 30 năm qua. Tiến bộ công bằng xã hội, phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội luôn được quan tâm thực hiện và đạt nhiều thành tựu. Đời sống mọi mặt của 90 triệu người dân ngày càng được cải thiện, nâng lên. Chính trị - xã hội ổn định vững chắc trên cơ sở sự đồng thuận và ủng hộ tự nguyện, rộng rãi của người dân. Liên Hợp quốc đã vinh danh là quốc gia hoàn thành trước thời hạn nhiều Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs).

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho biết, Việt Nam đang tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, tăng cường hiệu lực hiệu quả quản lý, định hướng và tạo dựng môi trường, điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển nhanh, bền vững của đất nước; đồng thời bảo đảm cho pháp luật được thực thi nghiêm túc; bảo đảm quyền con người, quyền công dân và phát huy mạnh mẽ quyền dân chủ tự do của người dân trên tất cả các lĩnh vực, nhất là các quyền về sở hữu, quyền tự do trong hoạt động kinh tế, quyền lựa chọn người đại diện, quyền tham gia xây dựng và giám sát thực thi chính sách, pháp luật.

Việt Nam  đang tiến hành đổi mới mạnh mẽ, tập trung tiếp tục hoàn thiện và thực hiện đầy đủ, hiệu quả các quy luật của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa - một nền kinh tế thị trường năng động, hiện đại và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Đồng thời, Nhà nước sử dụng các nguồn lực, chính sách, công cụ điều tiết để thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển văn hóa, tăng cường phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống của người dân, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo. Hướng tới Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc sau 2015.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng trong thời đại  khoa học - công nghệ phát triển nhanh cùng với toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng tác động mạnh mẽ đến quá trình phát triển kinh tế xã hội của các quốc gia, kinh tế thị trường, bảo đảm an sinh xã hội, tiến bộ công bằng xã hội, phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường, dân chủ và pháp quyền, hợp tác và đấu tranh vì độc lập chủ quyền, vì lợi ích chính đáng của các quốc gia, vì hòa bình hữu nghị, hợp tác, phát triển và cùng chung tay giải quyết những thách thức của toàn cầu là xu hướng chung, là trách nhiệm chung của các quốc gia và của cả nhân loại.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đứng trước nhiều nguy cơ về xung đột vũ trang; tranh chấp lãnh thổ, tranh chấp đối với các vùng biển, trong đó có khu vực Biển Đông; sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố; việc bảo đảm an ninh an toàn mạng cũng như những thách thức về biến đổi khí hậu, dịch bệnh, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước... đòi hỏi tinh thần trách nhiệm, sự hợp tác và nỗ lực rất lớn của các Quốc gia, các Nghị viện trong khu vực và trên toàn thế giới.

Thủ tướng nhấn mạnh, để duy trì hòa bình, hữu nghị, ổn định, an ninh, an toàn một cách bền vững, mỗi quốc gia, dù lớn hay nhỏ, cùng với việc chăm lo lợi ích của riêng mình, đều phải tôn trọng độc lập chủ quyền và lợi ích chính đáng của các nước khác cũng như phải cùng quan tâm chăm lo đến các vấn đề chung, các lợi ích chung của khu vực và thế giới. Đây là nền tảng nhận thức cơ bản để thúc đẩy các cơ chế hợp tác, xây dựng lòng tin, giải quyết tranh chấp bất đồng bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp và các cam kết quốc tế. Không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các quốc gia, các Nghị viện và các vị Nghị sỹ cùng chung sức thực hiện hiệu quả Tuyên bố của IPU tại Hà Nội lần này với tinh thần “biến lời nói thành hành động” để gìn giữ hòa bình, tăng cường hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững vì lợi ích của tất cả mọi người dân.

P.Thảo

Dòng sự kiện: IPU-132 tại Hà Nội