1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

“Thứ trưởng cảm thấy thế nào khi nhìn nông dân khóc cay đắng?”

(Dân trí) - “Tôi không hiểu cảm giác của lãnh đạo thế nào khi nhìn thấy một ông nông dân đứng trước mấy công ruộng bắp cải, bảo bán chỉ 500 đồng/kg mà đổ đi thì cũng rớt nước mắt?” – đại biểu Bùi Thị An truy vấn cả Bộ trưởng NN&PTNT, Thứ trưởng Tài chính...

Ngày 8/4, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát có phiên giải trình trước UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về chủ đề “Khoa học và công nghệ trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới”.

Nước mắt cay đắng vì được mùa

Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) đặt vấn đề, Bộ NN&PTNT có chiến lược phối hợp với Bộ Công thương để chặn đứng tình trạng thương lái nội, thương lái ngoại “bắt tay” để ăn chặn của người nông dân, thậm chí thao túng thị trường như vừa qua?

Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định, chiến lược cơ bản nhất là phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, để đồng vốn bỏ ra mang lại nhiều hiệu quả hơn cho người nông dân, cho đất nước. Theo đó, giải pháp đề ra là phải đưa nông nghiệp đi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, triển khai sâu mô hình liên kết 4 nhà (nhà nước - nhà nông - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp)...

“Chúng tôi xác định còn nhiều địa dư để thực hiện việc này. Trong đó, vai trò của khoa học công nghệ rất lớn, là một trong những khâu then chốt để giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Nhất thiết phải tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết nông dân với các DN để tạo chuỗi liên kết thống nhất từ nuôi trồng đến chế biến, phân phối…” – Bộ trưởng NN&PTNT nêu quan điểm.
“Thứ trưởng cảm thấy thế nào khi nhìn nông dân khóc cay đắng?”
Đại biểu Bùi Thị An: "Đừng để thương lái ăn chặn, bắt chẹt đủ mọi thứ để người nông dân phải khóc cay đắng".

Ghi nhận nhiều dấu hiệu tích cực mô hình liên kết 4 nhà mang lại nhưng đại biểu Bùi Thị An vẫn lo khâu giám sát đối với việc thực hiện phương thức liên kết này. Bà An trở lại câu hỏi: “Tôi không muốn nhắc lại chuyện quả dưa hấu, lá bắp cải, xà lách nhưng phải tổ chức thị trường nội-ngoại thương thế nào để chấm dứt được cảnh cứ được mùa là nông dân khóc?”. Nhắc lại ý trả lời của Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng trong phiên chất vấn tại UB Thường vụ QH tuần trước, bà An phân trần, vẫn muốn truy tiếp vì chưa hài lòng với giải đáp của vị tư lệnh ngành.

Thứ trưởng Công thương Hồ Thị Kim Thoa được huy động hỗ trợ Bộ trưởng NN&PTNT. Thứ trưởng Thoa cho biết, Bộ Công Thương đã đề xuất nhiều cơ chế chính sách thúc đẩy thị trường trong nước trong đó có phát triển thị trường thương mại nông thôn. Chương trình quy hoạch thương nhân thu mua nông sản lúa gạo cũng được Thứ trưởng Thoa nhắc đến.

Bà Thoa thanh minh, tiêu thụ sản phẩm bao giờ cũng phải có khâu trung gian nhưng làm sao khâu đó ngắn đi và quản lý được.

“Đồng ý là trong cơ chế thị trường đương nhiên có nhiều loại thương lái, nhưng làm sao để có nhiều thương lái biết điều, đừng để thương lái ăn chặn, bắt chẹt đủ mọi thứ để người nông dân phải khóc cay đắng. Tôi không hiểu cảm giác của Thứ trưởng thế nào khi nhìn thấy một ông nông dân đứng trước mấy công ruộng bắp cải, bảo bán chỉ 500 đồng/kg  mà đổ đi thì cũng rớt nước mắt?” – nữ đại biểu không giấu giọng xót xa.
“Thứ trưởng cảm thấy thế nào khi nhìn nông dân khóc cay đắng?”
Bộ trưởng NN&PTNT cùng Bộ trưởng KH&CN (bìa trái) song hành trong phiên giải trình.

Để lặp lại cảnh nông dân cứ được mùa thì rớt giá, cần cù hai sương một nắng mà thu nhập chưa cao, theo đại biểu An, lỗi không phải của ngành nông nghiệp nhiều lắm mà lỗi ở tổ chức thị trường, của ngành công thương.

“Vì sao cứ để lặp lại đi lặp lại việc thương lái nước ngoài định hướng thị trường, mà định hướng một cách kỳ dị, mua chân trâu, rễ quế, gián, đỉa, lá khoai lang… Tôi xin hỏi  Thứ trưởng là bao giờ tình trạng này mới chấm dứt?” - bà An sốt ruột.

Nhắc lại rằng đây là vấn đề vô cùng lớn, nữ đại biểu nói thẳng, câu trả lời dưa hấu ùn ứ là do cửa khẩu Tân Thanh hẹp hay do được mùa không thể thuyết phục được cử tri, và đại biểu cũng không chấp nhận được. Bà đề nghị, ngành công thương phải trả lời trước cử tri cả nước về giải pháp khả thi để tổ chức lại thị trường chứ không thể chờ đến tận năm 2020 mới hoàn thiện.

Nhà quản lý – nhà khoa học lặng lẽ... nghi nhau

Đi sâu vào vấn đề đầu tư khoa học công nghệ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, đại biểu Phùng Văn Hùng (Ủy viên thường trực UB Kinh tế) nhận định, số hộ nông dân nghèo vẫn chiếm tỷ lệ chủ yếu ở nông thôn, số người vươn lên làm giàu được thì cũng rất bấp bênh, thiếu bền vững. Kết quả ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp, theo đó, chưa tương xứng với nguồn lực bỏ ra? Ông Hùng băn khoăn, tình trạng này có khắc phục được không? mất bao lâu?
“Thứ trưởng cảm thấy thế nào khi nhìn nông dân khóc cay đắng?”
Bộ trưởng Cao Đức Phát: "Tôi tin đóng góp của khoa học công nghệ trong nông nghiệp cho GDP cao hơn nguồn lực bỏ ra".

Cùng day dứt này, đại biểu Bùi Nguyên Súy (Bắc Ninh) nêu con số, mỗi năm ngân sách nhà nước cấp cho nghiên cứu khoa học khoảng 2.400 tỷ đồng. Trong đó, số vốn cấp cho Bộ NN&PTNT chiếm 13%. Vậy có bao nhiêu đề tài nghiên cứu có chất lượng, có khả năng ứng dụng cho người nông dân? Bộ Tài chính có phát hiện đề tài nào thất thoát, kém chất lượng, chỉ nghiên cứu một cách hình thức để giải ngân? Bộ Công thương “chấm” được bao nhiêu đề tài để phát triển thị trường chiến lược về nông nghiệp? Thực tế có tình trạng nhà khoa học không tin nhà quản lý công tâm, nhà quản lý không tin nhà khoa học nghiêm túc?

Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát đáp lời, mức tăng trưởng của ngành nông nghiệp 5 năm qua không đến từ việc tăng sản lượng, diện tích mà nhờ vào tăng năng suất. “Hiện nay chưa có một nghiên cứu thật khoa học để đánh giá bao nhiêu phần trăm GDP có được từ sản phẩm nông nghiệp nhờ các nghiên cứu ứng dụng KHKT, nhưng tôi tin rằng cao hơn với nguồn lực bỏ ra. Còn đánh giá hiệu quả đã tương xứng, tôi nghĩ rằng, vẫn còn dư địa để làm tốt hơn” – ông Phát nhận định.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cũng được yêu cầu giải đáp thêm câu hỏi của các đại biểu. Ông Quân cho rằng, để tránh tình trạng các nhà khoa học đề xuất vấn đề, nghiên cứu xong không có địa chỉ ứng dụng và không hiệu quả, với cơ chế mới của Luật Khoa học công nghệ, trong thời gian tới, ông hy vọng những sản phẩm nghiên cứu sẽ tập trung vào sản phẩm chủ lực của nền kinh tế và theo nhu cầu của nền kinh tế, theo đề xuất của các bộ, ngành địa phương, không đề xuất nếu không có đầu ra và không có địa chỉ ứng dụng, hay không phát huy hiệu quả.

Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng làm rõ thêm một số vấn đề các đại biểu quan tâm như việc ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý ô nhiễm môi trường, nhất là môi trường làng nghề, đầu tư công nghệ cho phát triển nông nghiệp quy mô lớn đáp ứng yêu cầu hội nhập phát triển. Ông Quân khẳng định, sẽ ưu tiên đầu tư đưa cơ giới hóa vào nông nghiệp, nhất là vùng núi.

Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng các trung tâm nghiên cứu chuyên ngành, cùng với đó là tăng cường kiểm soát chặt chẽ đối với tình trạng thuốc trừ sâu, phân bón, thức ăn chăn nuôi giả.

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm