1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Thứ trưởng Bộ Nội vụ chạnh lòng với cụm từ “đúng quy trình”

(Dân trí) - “Gần đây trên báo chí đề cập đến cụm từ “đúng quy trình” khiến chúng tôi rất chạnh lòng. Bởi đúng quy trình là làm đúng pháp luật, còn chất lượng như thế nào là trách nhiệm của ấp ủy, của người đứng đầu”, ông Trần Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Nội vụ nói.

Ngày 14/10, tại buổi họp báo định kỳ, ông Trần Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Nội vụ đã trao đổi về những vấn đề liên quan đến trách nhiệm của bộ này trong việc khen thưởng, tuyển dụng và trình Thủ tướng phê chuẩn đối với Trịnh Xuân Thanh và những vấn đề liên quan đến phản ánh về tình trạng “cả họ làm quan”, nhưng khi thanh tra đều “đúng quy trình”.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ cuối tháng 8 vừa qua, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Bộ Nội vụ chưa có báo cáo chính thức lên Thủ tướng về việc đề bạt, bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh. Xin ông cho biết, đến thời điểm này, Bộ Nội vụ đã có báo cáo làm rõ sự việc hay chưa?

Liên quan đến trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong việc khen thưởng, tuyển dụng, trình Thủ tướng phê chuẩn đối với Trịnh Xuân Thanh, trên cơ sở chỉ đạo của Tổng Bí thư, Ban cán sự Đảng Bộ Nội vụ, lãnh đạo Bộ Nội vụ đã nghiêm túc chấp hành, xây dựng kế hoạch, thành lập tổ công tác giúp Ban cán sự Đảng triển khai việc này.

Trong quá trình thực hiện, từ những chuyên viên theo dõi, cho đến lãnh đạo bộ, tập thể Ban cán sự đã tiến hành một cách nghiêm túc, thẳng thắn nhìn vào trách nhiệm của mình để kiểm điểm, đảm bảo tính cầu thị, khách quan, đúng trách nhiệm của từng người. Trách nhiệm đến đâu sẽ kiểm điểm đến đó, chúng tôi sẽ làm nghiêm túc, đúng với chỉ đạo.

Kết quả kiểm điểm đã được chúng tôi báo cáo, gửi các cấp có thẩm quyền xem xét. Trong khi chờ các cấp có thẩm quyền xem xét, chưa có kết luận chính thức nên chúng tôi chưa thể thông báo. Khi có thông báo của các cấp có thẩm quyền, Bộ Nội vụ sẽ công bố công khai kết quả kiểm điểm.

Ông Trần Anh Tuấn cảm thấy chạnh lòng khi báo chí dùng từ đúng quy trình
Ông Trần Anh Tuấn cảm thấy "chạnh lòng" khi báo chí dùng từ "đúng quy trình"

Thời gian qua dư luận phán ánh tình trạng “cả họ làm quan” khá phổ biến ở các tỉnh thành. Tuy nhiên, khi các cơ quan vào thanh tra đều có cùng câu trả lời là “đúng quy trình”. Vậy Bộ Nội vụ nhìn nhận thế nào về vấn đề này?

Gần đây trên báo chí đề cập đến cụm từ “đúng quy trình” khiến chúng tôi cũng rất chạnh lòng, mà không có cơ hội để giải thích thế nào là “đúng quy trình”. Bởi nhẽ đúng quy trình là làm đúng pháp luật, đúng các quy định của Đảng, còn chất lượng như thế nào, là trách nhiệm của cấp ủy, của người đứng đầu.

Điều đó cũng có nghĩa là khi bổ nhiệm cán bộ, công chức phải đúng quy định của pháp luật, mà quy định của pháp luật chính là tiêu chuẩn, là điều kiện, là quy trình, là thủ tục. Cái chính là đúng quy trình, nhưng có đảm bảo chất lượng không lại là câu chuyện khác, chuyện này phụ thuộc vào trách nhiệm của người đứng đầu, và vai trò của tập thể cấp ủy về công tác cán bộ.

Chúng ta cũng phải có giải pháp về vấn đề này như những người được tuyển chọn, bổ nhiệm nếu như không làm được việc thì phải ra đi, nhường chỗ cho người khác. Chúng ta cũng phải có cơ chế đào thải. Hiện nay, trong luật cũng đã có quy định về miễn nhiệm rồi, nhưng theo tôi có lẽ còn phải bổ sung thêm một số giải pháp khác như người đứng đầu và lãnh đạo cơ quan mà không làm được việc thì phải họp cấp ủy lại để bàn cách miễn nhiệm chức vụ, để tìm người khác đáp ứng được yêu cầu.

Vừa qua, ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội có phản ánh con số 30% công chức, viên chức không làm được việc, tiêu tốn 17.000 tỷ đồng mỗi năm. Xin ông cho biết, con số thực tế công chức, viên chức “sáng cắp ô đi, tối cắp về” là bao nhiêu?

Hiện nay, chưa có báo cáo, thống kê nào nói rằng trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của chúng ta có tới 30% người “sáng cắp ô đi, tối cắp về”. Đó là dư luận phản ánh như vậy, về cơ quan có trách nhiệm, thông tin chính thống thì không có.

Thực tế, từ thời kỳ đổi mới đến nay, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đóng góp rất nhiều vào những thành tựu của đất nước, chúng ta không phủ nhận điều đó. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng vẫn có những người không làm được việc, không đáp ứng được yêu cầu công việc. Vì vậy, chúng ta mới tiến hành tinh giản biên chế, đưa những người không đáp ứng yêu cầu công việc ra khỏi đội ngũ.

Hơn nữa, hiện nay với chính sách vị trí việc làm, với việc đánh giá phân loại công chức đã được ban hành, tôi nghĩ còn rất ít đất để cho những người lười biếng, không chịu làm việc. Bên cạnh đó chúng ta đang thực hiện tinh giản biên chế, đưa vào danh sách tinh giản biên chế những người không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Nếu không đáp ứng được yêu cầu thì phải ra đi để nhường chỗ cho những người tốt, những người có năng lực, những người đáp ứng được yêu cầu công việc vào làm việc.

Xin cảm ơn ông!

Quang Phong (ghi)