Thông điệp của Tổng Bí thư khiến doanh nghiệp tư nhân “hởi lòng hởi dạ”

(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân - ủy viên thường trực UB Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết, theo dõi mạng xã hội cũng như dư luận những ngày qua có thể thấy sự đồng tình, ủng hộ lớn với thông điệp “đừng kỳ thị kinh tế tư nhân” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

- Phát biểu tại Hội nghị TƯ 10 vừa qua về việc chuẩn bị các đề cương cho Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề cập việc “đừng kỳ thị kinh tế tư nhân”. Thông điệp này nói lên điều gì, thưa ông?

- Quan điểm phát triển các thành phần kinh tế được thể hiện xuyên suốt từ khi đổi mới đến nay. Nguyên tắc đề ra là các thành phần kinh tế phát triển bình đẳng, trong đó có kinh tế tư nhân. Nhưng đến giờ, ông Nguyễn Phú Trọng là Tổng Bí thư đầu tiên nói lên câu đó. Nó có nghĩa cấp độ, nhận thức của xã hội, của bộ máy và của cả những người có chức vụ quyền hạn vẫn mang nặng tư tưởng phân biệt đối xử.

Mặc dù đường lối, chủ trương, pháp luật của Việt Nam đều khẳng định không kỳ thị nhưng thực tế việc kỳ thị vẫn diễn ra. Có nghĩa là tính thiên vị với thành phần kinh tế khác rất rõ. Sự phân biệt lên tới mức độ rất cao. Người lãnh đạo đứng đầu Đảng và nhà nước đã nhận thức rất rõ thực trạng ấy và đến mức phải cảnh báo như vậy.

Điều đó cho thấy định hướng tới đây là phải ưu tiên “làm sạch” nhận thức sai lầm đang tồn tại, từ đó mới điều chỉnh, chi phối được hành động. Tinh thần Tổng Bí thư nêu ra cũng cho thấy việc xây dựng nền kinh tế tự chủ phải dựa vào nội lực và nội lực kinh tế hiện nay, ngoài doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ra thì không còn chủ thể nào khác ngoài kinh tế tư nhân.

Thông điệp của Tổng Bí thư khiến doanh nghiệp tư nhân “hởi lòng hởi dạ” - 1

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân: "Ta vẫn nói nguồn lực trong dân còn rất lớn, ước tính là 500 tấn vàng, tôi nghĩ là còn hơn thế".

- Những biểu hiện “kỳ thị” có thể chỉ ra cụ thể thế nào?

- Thực tiễn phát triển kinh tế thời gian qua, nhìn vào chỉ số tăng trưởng GDP mấy năm gần đây thì thấy khu vực kinh tế tư nhân đang ngày càng đóng góp tỷ trọng lớn, đóng góp quan trọng cho ngân sách trong khi nghịch lý là nguồn lực xã hội mà khu vực kinh tế tư nhân hiện đang nắm giữ là quá khiêm tốn so với kinh tế nhà nước. Ngược lại, nguồn lực tài chính, tài nguyên… mà khối DNNN hiện nắm giữ vẫn chiếm tỷ lệ chi phối rất lớn nhưng hiệu quả mang lại thì quá khiêm tốn.

Nói kinh tế nhà nước là chủ đạo không có nghĩa là thống soái, là chi phối tất cả, là định đoạt và thay thế kinh tế tư nhân. Chủ đạo nghĩa là nắm những khâu then chốt nhất để đảm bảo định hướng chung về công bằng xã hội, phân phối lao động, phân phối của cải. Ý hiểu “chủ đạo” nghĩa là anh có ưu thế, được ưu đãi vượt trội, được ưu tiên hơn tất cả các đối tượng khác là trái với nguyên tắc bình đẳng cùng phát triển. 

Đấy chính là sự khác biệt, sự phân biệt, là một bài toán chúng ta phải giải bằng cơ chế chính sách, bằng nhận thức và hành động cụ thể.

- Câu nói của Tổng Bí thư khiến cộng đồng doanh nghiệp tư nhân như được “mở lòng”, sau hàng loạt sự cố trong những dự án “bắt tay” với nhà nước tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thời gian qua khiến dư luận bức xúc, nhà nước mệt mỏi, nhà đầu tư tư nhân cũng “ngậm đắng” không ít. Có yếu tố “kỳ thị” làm ảnh hưởng tiêu cực tới chủ trương kêu gọi nguồn lực cho phát triển ở đây không, thưa ông?

- Chắc chắn có kỳ thị nên Tổng Bí thư mới nói như vậy. Đó cũng là thông điệp mà tôi thấy mạng xã hội cũng như dư luận hết sức đồng tình, ủng hộ. Khi ông nêu một loạt câu hỏi và yêu cầu “không kỳ thị” như vậy, cộng đồng doanh nghiệp tư nhân rất “hởi lòng hởi dạ”. Sự bất bình đẳng, đó chính là nút thắt trong cả nhận thức và hành động cần tháo gỡ, bằng những chủ trương, chính sách cụ thể.

- Thực tế, huy động nguồn lực tư nhân đang là giải pháp hữu hiệu với việc hoàn thiện hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội với nhiều địa phương. Tiêu biểu như Quảng Ninh, với việc khơi thông nguồn vốn tư nhân, ít năm qua, tỉnh đã huy động được 47.000 tỷ đồng trong khi ngân sách chỉ phải bỏ 4.700 tỷ để đầu tư, giải được “cơn khát” hạ tầng, tạo động lực phát triển kinh tế. So sánh “hiện tượng” Quảng Ninh với “cơn khủng hoảng” BOT vừa qua, dường như điểm khác nhau chính là ở cách ứng xử tạo sự công bằng, tin cậy hay kỳ thị, quay lưng tạo nên kết quả trái ngược?

- Bí quyết của Quảng Ninh trong việc xây dựng niềm tin là rất đúng. Khi có niềm tin, đó cũng là sức mạnh, là nguồn lực để người ta dồn sức, dồn tâm vào cùng thực hiện một mục đích. Đó chính là bí quyết đã được lịch sử nhiều lần chứng minh.

Hàn Quốc xây dựng nên đất nước hùng mạnh như hiện nay là từ niềm tin tạo dựng được với người dân, doanh nghiệp. Lãnh đạo Hàn Quốc khi đó đã bằng “bàn tay sắt” thiết lập một kỷ cương để bảo vệ lợi ích chính đáng, công bằng với tất cả mọi lực lượng. Không làm được việc đó, không thể xây dựng được niềm tin của xã hội.

Việt Nam giai đoạn hiện nay, Đảng đang phát động cuộc chiến chống tham nhũng mà người đứng đầu là Tổng Bí thư, trực tiếp lãnh đạo, chỉ huy, làm được những việc to lớn, lôi ra được những vị “đại quan” sai phạm, bất kể là ở chức vụ nào. Việc đó giúp khôi phục được niềm tin của người dân vào chế độ. Nhưng vấn đề bây giờ xây dựng được niềm tin để phát triển kinh tế, thì cũng không có cách nào khác việc ứng xử sao để doanh nghiệp tin tưởng. Khi tin rồi, người ta mới bỏ công bỏ của ra để đầu tư, từ việc mua công trái, trái phiếu, gửi tiền tiết kiệm cho tới việc rót tiền làm công trình, kết cấu hạ tầng.

- Trong bối cảnh vốn đầu tư phát triển hạ tầng đang thiếu rất lớn khi ngân sách chỉ đáp ứng được 20% trong số hàng triệu tỷ đồng cần có, việc tiếp cận các nguồn vay như ODA giảm mạnh thì yêu cầu xóa bỏ kỳ thị để huy động được các nguồn lực trong nước cho đầu tư phát triển thực sự cấp thiết?

- Ta vẫn nói nguồn lực trong dân còn rất lớn, ước tính là 500 tấn vàng, tôi nghĩ là còn hơn thế. Nhưng bằng cách nào mà lấy được số vàng đó ra để huy động cho đầu tư khi ta đang rất thiếu thốn thì rõ ràng là không phải chỉ là dụ dỗ bằng chính sách mà phải bằng cả những việc làm thực tiễn, làm thật, tạo ra cơ hội. Muốn vậy phải thay đổi cách quản lý và đặc biệt phải thay đổi nhân sự, chọn những người có tài có tâm thực sự.

Câu chuyện nhân sự, người lãnh đạo, điều hành ở địa phương thời gian qua cho thấy phần nhiều là chưa có phản ứng rõ ràng, chưa tạo được niềm tin cho người dân, doanh nghiệp – những người đã cùng bỏ đồng tiền bát gạo từ túi mình ra để làm. Vì thế, sẽ rất khó cho hoạt động đầu tư tới đây nếu lối tư duy này chưa “chỉnh” được.

- Xin cảm ơn ông!

P.Thảo