1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thoái thác trách nhiệm khi có F0, doanh nghiệp bị Bí thư TPHCM "chỉnh đốn"

Quang Huy

(Dân trí) - Bí thư TPHCM nêu thực trạng, một số doanh nghiệp thoái thác trách nhiệm khi xuất hiện ca mắc Covid-19. Những cách xử lý thể hiện thiếu trách nhiệm, không có sự gắn bó với người lao động.

Chiều 11/11, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM, dẫn đầu đoàn công tác tới kiểm tra và làm việc với một số doanh nghiệp thuộc Ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố (HEPZA). 

"Trách nhiệm và vai trò của doanh nghiệp, người lao động" là những vấn đề chính được người đứng đầu Đảng bộ thành phố lưu ý tại buổi làm việc. Trong đó, vấn đề xử lý, ứng phó trong trường hợp phát hiện ca mắc Covid-19 là điều các đơn vị cần lưu tâm.

"Ở một số doanh nghiệp, khi có công nhân nhiễm SARS-CoV-2, họ muốn thoái thác trách nhiệm. Họ xử lý bằng cách thu dung, quản lý sơ sài để công nhân tự ra khỏi đó,  hoặc họ có cách khác là để cho công nhân tự trở về địa phương" - Bí thư Thành ủy TPHCM nêu thực trạng.

Thoái thác trách nhiệm khi có F0, doanh nghiệp bị Bí thư TPHCM chỉnh đốn - 1

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên làm việc với Ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố (Ảnh: T.L.).

Ông Nguyễn Văn Nên cho rằng, dù xử lý theo hướng nào trong 2 cách trên, cũng đều thể hiện sự thiếu trách nhiệm, không thể hiện sự gắn bó với người lao động. Đây là điều cần phải khắc phục, không để tái diễn.

Giải pháp được Bí thư Thành ủy TPHCM đưa ra là kiểm soát chặt chẽ công nhân, người lao động bằng ứng dụng công nghệ, kết hợp với các quy định về việc khi phát hiện F0 trong doanh nghiệp thì cần làm gì. Từ giải pháp đó, các cấp quản lý sẽ chia sẻ trách nhiệm và phân định trách nhiệm để cùng xử lý.

"Lợi thế ở đây là nhiều doanh nghiệp có thế mạnh về công nghệ. Thế mạnh này cần phát huy để tiến tới quản lý bằng công nghệ số", Bí thư Thành ủy TPHCM định hướng.

Ngoài ra, người đứng đầu Đảng bộ thành phố nhấn mạnh, thời điểm này, người lao động, doanh nghiệp cần nhận thức rõ trách nhiệm, nắm bắt các kỹ năng để tự bảo vệ mình. HEPZA cần điều chỉnh hành vi phù hợp với tình hình mới để tránh lúng túng và có thể chủ động kiểm soát, xử lý khi xuất hiện ca mắc Covid-19.

"An toàn của khu công nghiệp, khu chế xuất cũng là an toàn của thành phố. HEPZA cần tính toán phương án quản lý dựa trên đặc điểm của lực lượng lao động nhằm thích ứng an toàn, kiểm soát linh hoạt dịch Covid-19", ông Nguyễn Văn Nên quán triệt.

Báo cáo với đoàn công tác, ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban Quản lý HEPZA cho biết, từ đầu mùa dịch đến nay, đơn vị ghi nhận hơn 8.000 ca mắc Covid-19 tại hơn 400 doanh nghiệp. Từ sau 1/10, HEPZA có hơn 2.800 ca mắc mới, trung bình 70 ca/ngày. 

Hiện tại, 90% ca mắc Covid-19 của các doanh nghiệp thuộc HEPZA đã hồi phục và quay lại sản xuất. Khoảng 96% các doanh nghiệp cũng khôi phục lại các hoạt động.

Hiện tại, HEPZA có nhiều khu công nghiệp đã thành lập từ những năm 1992, cơ sở vật chất hạn chế, không có mặt bằng làm nơi cách ly. Do đó, ông Hứa Quốc Hưng đề xuất, thành phố sắp xếp khu cách ly tập trung cho công nhân các khu chế xuất, khu công nghiệp, các doanh nghiệp sẵn sàng hỗ trợ chi phí để chăm sóc người lao động.