Hà Nội:
Thờ ơ với cầu bộ hành
(Dân trí) - Có cầu, có hầm, có đường đi riêng đảm bảo an toàn nhưng người đi bộ thường vẫn thích “lao” sang đường theo cách riêng, bất chấp những hiểm nguy cận kề.
Hiện nay trên địa bàn TP Hà Nội có 4 cầu vượt dành cho người đi bộ (cầu bộ hành trên đường Nguyễn Chí Thanh, trước cổng ĐH Giao thông Vận tải, cầu trên đường Giải Phóng và cầu trên đường Nguyễn Văn Cừ). Cầu vượt bộ hành được xây dựng ở những khu vực có lưu lượng người và phương tiện giao thông lớn, phức tạp nhằm đảm bảo an toàn cho người đi bộ và giảm thiểu tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông.
Tuy nhiên, theo khảo sát của PV Dân trí thì những hệ thống cầu vượt tiền tỷ này không được nhiều người “ủng hộ” sử dụng. Không ít người đi bộ vẫn rất thờ ơ với sự “chào mời” của những chiếc cầu vượt hiện đại, tiện lợi và an toàn dành cho chính mình.
Điển hình như cây cầu vượt bộ hành trước cổng trường ĐH Giao thông Vận tải thường vắng người, dù lượng sinh viên, người dân đi bộ qua đường hằng ngày khá nhiều. Trước dòng người và phương tiện lưu thông dày đặc, họ vẫn băng ngang qua đường theo... thói quen.
Vào các giờ cao điểm, giờ tan trường, hình ảnh các sinh viên dắt díu, dàn hàng qua đường khiến tình trạng giao thông rất phức tạp.
Thắng (SV trường ĐH Giao thông Vận tải) lý giải: “Chiều dài của cầu vượt dài gấp 3 lần đi bộ dưới lòng đường. Những lúc muộn giờ học mà lại phải leo hết cầu thang bên này rồi chạy xuống cầu thang bên kia thì rất mệt và mất thời gian. Mình để ý xe cộ 1 chút rồi đi dưới lòng đường cho nhanh”.
Cầu vượt dành cho người đi bộ trên đường Giải Phóng được xây dựng ngay cổng chính của Bệnh viện Bạch Mai và gần với mấy trường ĐH Kinh tế, Xây dựng, lưu lượng người và phương tiện giao thông cũng rất lớn song cũng không mấy người đoái hoài lên cầu.
Anh Thắng (ở Phương Mai) lý giải: “Thực ra đi qua cầu vượt thì an toàn hơn. Nhưng mình ở đây quen địa hình địa thế rồi, biết cách qua đường nên không có vấn đề gì cả (?!)”.