1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thịt thú rừng ở chùa Hương: "Oan" quá!

(Dân trí) - Phần lớn du khách, phật tử đến với chùa Hương đều thấy phản cảm trước dãy nhà hàng thịt thú rừng trải dài từ bến đò đến tận chân chùa Thiên Trù. Tìm hiểu mới vỡ ra, xưa nay báo chí đã bị "xỏ mũi" và vô tình PR không công cho các nhà hàng.

Nguồn cung thịt thú rừng ở đâu mà nhiều đến như vậy? Dân trí đã tìm hiểu và thấy nhiều câu chuyện cười ra nước mắt trong các "mánh" kinh doanh "thịt thú rừng" ở đây.

Lạc vào xứ sở “thịt thú rừng”…

Có lẽ khi hỏi bất kỳ một du khách nào về trẩy hội chùa Hương đều nhận được câu trả lời, "ấn tượng" nhất là những xâu, móc thịt thú rừng treo lủng lẳng từ đầu làng Hương Sơn (bến Đục) rồi bến Trò (cuối suối Yến) cho đến tận chân chùa Thiên Trù.

Khu bến Trò có lẽ là trung tâm của "chợ" thịt thú rừng với khoảng 30 cửa hiệu, nhà hàng thịt thú rừng bày san sát. Nhà hàng nào cũng có đến 5,6 loại thú rừng như chồn, cầy hương, cầy vòi, cầy hoa quả, hoẵng, nai… đã "móc hàm" hay còn nguyên lông, nguyên da treo công khai ở mặt tiền.

Chúng tôi đã "lượn" một vòng quanh “thị trường thịt thú rừng” chùa Hương. Kỳ lạ, giá cùng loại thú rừng ở mỗi quán mỗi khác và giá nào cũng có thể bán. Ở tiểu khu chùa Thiên Trù, giá cầy hương là 150.000 đồng/kg, thịt hoẵng là 200.000 đồng/kg.

Còn ở khu nhà hàng quanh bến Đục, ông chủ nhà hàng XH gạ khách: "không chỉ có thịt móc hàm mà thú tươi sống cũng có. Giá cầy hương là 120.000 đồng/kg, cầy "hoa quả", cày vòi 150.000 đồng/kg. Hoẵng, nai có giá 220.000 đồng, nếu mua thì đặt tiền trước".

"Thịt thú tươi sống chúng tôi phải mua từ khắp các tỉnh miền núi phía bắc. Cần bao nhiêu cũng có. Toàn bộ đều là thú rừng xịn. Thợ săn ở rừng Cúc Phương (Ninh Bình), rừng Kim Bảng (Hà Nam), Lạc Thủy (Hòa Bình)… sẵn sàng phục vụ hội chùa Hương" - ông này khẳng định chắc nịch với du khách.

Chúng tôi tiếp tục vào một cửa hàng ăn, trên bàn bày nhiều đĩa thịt đã được thái sẵn phía trên có để những tấm biển giới thiệu món: “Thịt cầy hương”, “hoẵng rừng”, “nai rừng” “sóc rừng” “Cầy đá rừng”, toàn là những loài thú rừng thuộc loại đặc sản quý hiếm và bên cạnh nhiều thực khách đang gọi thêm món.

… Đó là thực tế và cũng là những "lời kết tội" của PV báo chí và ngay cả tôi (lúc đầu) khi về chùa Hương đi lễ và tranh thủ tác nghiệp, còn sự thực thì sao?

“Thú rừng” là đây!

5h sáng ngày 24/2, anh bạn thổ địa đưa tôi dạo quanh các nhà hàng khu bến Trò, rồi bảo “cứ chỗ nào có khói lửa bập bùng thì ông xông vào mua vé vờ đi “giải quyết” mà tiếp cận nhé, nhất định ở đó đang thui bê hoặc nghé, tôi vào cùng là lộ ngay”.

Chẳng khó để tìm ra 1 đốm lửa phía sau các nhà hàng vào giờ này, mất 2.000 đồng tiền vé, tôi đã lọt vào phía bên trong tiệm ăn TH ở bến Trò - kề bên là núi đá. Xa xa bên đốm lửa lập lòe là mấy bóng người đang lom khom tay dao tay thớt mà ánh lửa đủ để tôi nhận ra 1 vụ “hành quyết”. Tiến lại gần, tôi thấy 2 đồ tể đang làm thịt 1 con thú lông da màu ghi. Nó là một con nghé.

- Con này là con gì hả các anh? Tôi hỏi 2 người, kẻ thì đang dội nước sôi, người còn lại đang cạo lông.

Hoẵng, một đồ tể lên tiếng trả lời.

- Nó là hoẵng nuôi hay tự nhiên ở rừng hả anh?

Tự nhiên chứ, kia kìa (người đàn ông 1 tay dội nước sôi 1 tay chỉ lên phía trên đỉnh núi), "bọn dân tộc" nó bẫy được bán xuống đây ngày nào chẳng có.

- Hoẵng gì mà em nhìn chân, đầu như con nghé thế kia?

Chú này đúng là chẳng biết gì? Hoẵng xịn 200.000 đồng/kg đấy.

Mặc dù đã lấy cớ ở lại xem mổ thịt rồi mua 1 kg mang về làm quà nhưng khi thấy đèn flash máy ảnh chớp lên, 2 gã đồ tể sinh nghi nên tìm mọi cách “đuổi” tôi ra ngoài với lời hẹn: Muốn mua thịt hoẵng thì lát nữa ra trước cửa hàng.

Thế nhưng, tầm 8h khi con vật đã được thui vàng ruộm, treo móc hàm lủng lẳng trước cửa nhà hàng, tôi lại hỏi đầu bếp về tên con vật. Và hỡi ôi, có thể là do sự thiếu thỏa thuận từ trước của những “người trong cuộc” con hoẵng bị làm thịt lúc 5h sáng bây giờ câu trả lời tôi nhận được là “con nai”.

Thịt thú rừng ở chùa Hương: "Oan" quá! - 1
  

Con vật được khẳng định là hoẵng rồi lại là nai (ảnh: TN).

Hoẵng, nai hay nghé bạn đọc chỉ cần xem qua hình ảnh con vật trước khi thui này rồi tự đưa ra quyết định cho chính mình. Chỉ biết, sau khi xem ảnh, anh bạn bảo tôi là thông thường họ thịt bê rồi thui giả là thịt nai và hoẵng vì thịt bê thơm. Hôm nay chắc hết bê nên họ thịt nghé (thịt nghé vốn tanh).

Còn cụ Trần Văn Cẩn (80 tuổi, bán quán nước ở bến Đục) - một thợ săn lão luyện từ những thập niên 80 của thế kỷ trước - khẳng định: Núi rừng Hương Sơn này bây giờ làm gì còn thú nữa mà săn với chả bắn.

Thế còn cày đá, cày hương rồi cày hoa quả và cày vòi? Anh bạn thổ địa lại cười ngất, đó chỉ là thịt mèo, thịt thỏ và thịt chó. Thấy tôi quá ngạc nhiên, anh bạn lý giải: Cày đá thực ra là mèo được thui kỹ, dân phố xưa nay ăn thịt mèo khi được nhân viên nhà hàng bưng ra đĩa thì làm sao biết con mèo sau khi thui nó thế nào. Và ở đây mèo nhỏ thì là cày đá, sóc còn mèo to, thỏ sau khi cắt tai thì là cày hương, chồn… tùy từng nhà hàng đặt tên mới cho nó.

Tôi vẫn băn khoăn về cái mũi rất dài của con cày vòi mà anh bạn khẳng định 100% đây là chó. Vâng, chính xác là cái giống chó ta chân ngắn (nhất vện, nhì vàng, tam khoang, tứ đốm).

“Con chó được các đồ tể với tay nghề "bác sỹ thẩm mỹ" đã biến cái mõm ngắn thành cái vòi dài bởi sau khi giết thịt, toàn bộ phần xương sọ con vật đã bị đập nát rồi khéo léo moi ra, cái đầu chỉ còn phần da, thịt và khi móc hàm lên, sức nặng của toàn bộ cơ thể đã kéo cái mõm không xương của con chó dài ra như cái vòi”.

Một lời giải thích quá thuyết phục của anh bạn. Và như vậy, tôi cũng như hàng nghìn du khách khác đến chùa Hương không ai có thể biết cày vòi, cày hoa quả… thực chất chỉ là món “mộc tồn” truyền thống.

Vẫn còn “bán tín bán nghi”, tôi tiến sát lại những “tảng thịt” vẫn còn nguyên lông, nguyên da cũng đang bị “treo cổ” ở đó. Hóa ra đó chỉ là những con thú nhồi bông được chủ quán “khéo léo” treo lên để quảng cáo… và khi có đoàn kiểm tra đến thì vội vàng giấu đi.

Thay cho lời kết

Nói như vậy không có nghĩa là các nhà hàng ở chùa Hương hoàn toàn không có thịt thú rừng xịn, anh bạn nói rằng “có nhưng hiếm lắm”, thỉnh thoảng có được 1 con thì giới sành ăn đã được gọi điện trước và họ bán “giấu như mèo…” chứ "bố bảo" cũng chẳng nhà hàng nào dám công khai như thế.

“Thực ra người mua không tinh ý và ham rẻ đấy thôi. Đã là đặc sản cao cấp làm sao có chuyện một cân cầy hương, nai, hoẵng chỉ có giá 120 - 200.000 đồng, trong khi đó thịt lợn giá đã là 80.000 đồng rồi” - anh bạn đưa ra thực tế.

Trong đợt về chùa Hương lần này dù không hẹn trước nhưng may mắn chúng tôi tình cờ được theo chân đội kiểm tra của Hạt kiểm lâm huyện Mỹ Đức. Mặc dù không xưng danh là nhà báo nhưng chúng tôi vẫn được đại diện Hạt kiểm lâm trả lời thiện chí: “Trước lễ hội kiểm lâm đã yêu cầu các hộ kinh doanh nhà hàng ký cam kết không được buôn bán thịt thú rừng. Hiện lễ hội đang cao điểm, hàng ngày, lực lượng kiểm lâm đều thay nhau tuần tra để kịp thời xử lý”.

Khi chúng tôi nói về hiện trạng thú rừng giả lừa người tiêu dùng, vị đại diện tỏ vẻ bất lực: Thẩm quyền của kiểm lâm là tuyên truyền, nhắc nhở họ không được đề biển kiểu “treo đầu dê bán thịt chó” thôi. Trường hợp nào treo biển thì buộc tháo dỡ, bởi thực tế họ có buôn bán thú rừng đâu”.

Rời chùa Hương, chúng tôi theo chân 1 đoàn khách vào một nhà hàng mua quà thịt thú rừng. Cô nhân viên vẫn đon đả chào mời: "Giá thịt nai là 200.000/kg, nếu ăn tại đây là 250.000/kg; Cầy hương, cầy hoa quả là 250.000 đồng/mang về, các bác ăn tại chỗ thì thêm 50 nghìn…" và nhiều người móc ví...

Chùa Hương năm nào cũng vậy, các cửa hàng bán thịt thú rừng giả vẫn nhan nhản. Thật hay giả thì vẫn làm cửa thiền bị “trần tục hóa” và chỉ khổ cho quý khách đầu năm mới, lặn lội từ phương xa tới chùa Hương "phải" ăn thịt mèo hay mua thịt chó về làm quà… với giá cắt cổ.

Thanh Ngọc