Thỉnh vong, Khá “bảnh”, Phúc “XO”... gây bức xúc với cử tri
(Dân trí) - Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội kỳ họp thứ 7 sắp khai mạc cập nhật những chuyện thời sự diễn ra vừa qua. Chuyện “thỉnh vong” thu tiền được chỉ rõ mục đích thu lợi cá nhân. Chuyện Khá “bảnh”, Phúc “XO” cũng được xác định động cơ trục lợi…
Báo cáo trước UB Thường vụ Quốc hội sáng 9/5, Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, từ sau kỳ họp thứ 6 của Quốc hội đến nay, Đoàn Chủ tịch Mặt trận phối hợp với UB Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 1.915 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội.
Nhìn chung, cử tri phấn khởi trước những kết quả toàn diện về kinh tế xã hội của đất nước. Cử tri đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng, chỉnh đốn đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, cải cách hành chính, đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Bên cạnh đó, cử tri vẫn lo lắng về một số vấn đề như tính tự chủ của nền kinh tế chưa đáp ứng yêu cầu, tình trạng mất an toàn chưa được cải thiện, xuất hiện nhiều hành vi thiếu chuẩn mực về đạo đức, lối sống trong xã hội; một số vụ án giết người nghiêm trọng gây hoang mang trong xã hội; tình hình mua bán, vận chuyển ma túy diễn biến phức tạp; nhiều vụ tai nạn giao thông, cháy, nổ nghiêm trọng tiếp tục xảy ra; việc điều chỉnh giá điện, giá xăng tăng mạnh trong thời gian ngắn ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân…
Một số lĩnh vực cụ thể, cử tri phản ánh việc tổ chức các lễ hội truyền thống có nhiều tiến bộ, góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc, đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần của nhân dân. Tuy nhiên, việc niêm yết giá các dịch vụ vẫn chưa được kiểm soát; việc lợi dụng, thương mại hóa hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo như “dâng sao giải hạn”, “thỉnh vong” gây bức xúc. Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhắc lại vụ việc Chùa Ba Vàng, Quảng Ninh lợi dụng niềm tin của người dân thực hiện “lễ thỉnh vong oan gia trái chủ” nhằm mục đích thu lợi cá nhân.
Việc quản lý các trang mạng xã hội chưa chặt chẽ, xuất hiện ngày càng nhiều đối tượng phát tán các clip, hình ảnh tuyên truyền lối sống, hành vi phản cảm, bạo lực trên mạng xã hội, làm ảnh hưởng xấu tới đạo đức thanh thiếu niên và trật tự an toàn xã hội. Một số vụ việc nổi cộm được dẫn chứng như vụ Khá “Bảnh”, vụ Phúc “XO”... phát tán nhiều clip và hình ảnh có tính chất “giang hồ” trên mạng xã hội với mục đích “đánh bóng tên tuổi” nhằm “trục lợi” ảnh hưởng xấu tới đạo đức thế hệ trẻ và trật tự an toàn xã hội.
Lãnh đạo MTTQ Việt Nam đề nghị Bộ TT-TT phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành có liên quan tăng cường quản lý an ninh mạng, đẩy mạnh tuyên truyền, định hướng để người dân sử dụng thông tin mạng theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với đạo đức xã hội.
Thống nhất cách xử lý vụ gian lận thi cho công bằng
Lĩnh vực luôn “nóng” là giáo dục, cử tri ghi nhận những nỗ lực ngành trong thời gian vừa qua. Theo đánh giá, Bộ GD-ĐT đã quan tâm chấn chỉnh, nâng cao đạo đức, tác phong và phương pháp làm việc cho đội ngũ những người làm công tác giáo dục, giảm áp lực cho giáo viên và học sinh. Tuy nhiên, một số quy định của ngành giáo dục và chính quyền địa phương vẫn còn bất cập, việc chạy theo thành tích vẫn tồn tại.
Các vụ “bạo lực học đường” liên tiếp xảy ra ở nhiều nơi. Con số thống kê của ngành công an được trích dẫn, trong quý I/2019, toàn quốc có 310 vụ bạo lực học đường, chủ yếu là ở lứa tuổi THCS và THPT. Trong giai đoạn 2010-2018, có 7.735 học sinh, sinh viên vì đánh nhau bị xử lý kỷ luật, so với 10 năm trước, số vụ bạo hành tại trường học tăng gấp 13 lần.
UB Trung ương MTTQ Việt Nam cũng đề cập sự thiếu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ quản lý, lãnh đạo nhà trường và thiếu quyết liệt trong xử lý các vi phạm của cơ quan chức năng gây bức xúc trong nhân dân. Cơ quan này đề nghị Bộ GD-ĐT tiếp tục có giải pháp hữu hiệu chống “bệnh thành tích” và khắc phục các yếu kém, vi phạm khác trong ngành, nhất là tại các cơ sở giáo dục; các ngành, các cấp, các địa phương và toàn xã hội cùng chung tay với ngành giáo dục để khắc phục hạn chế, góp phần tạo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện.
Một vấn đề cụ thể, cử tri và nhân dân tiếp tục quan tâm, theo dõi việc xử lý các vụ gian lận điểm thi ở các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình và Sơn La; hoan nghênh việc các cơ quan chức năng đã kiên quyết điều tra, xử lý sai phạm.
Cử tri đề nghị các cơ quan chức năng sớm xử lý nghiêm và công khai các đối tượng có liên quan đến vi phạm, nhất là đối với những cán bộ, công chức là lãnh đạo, quản lý, gắn với trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; thống nhất cách xử lý đối với các thí sinh gian lận điểm thi, bảo đảm công bằng xã hội. Đoàn Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị Bộ GD-ĐT tiếp tục rà soát, khắc phục triệt để những hạn chế trong tổ chức thi của các năm trước, trước hết là những “lỗ hổng” trong quy chế thi và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, ngăn chặn kịp thời gian lận trong thi cử của năm học 2019 - 2020.
Về xây dựng đội ngũ, đấu tranh phòng chống tham nhũng, cử tri phản ánh tình trạng “chạy chức, chạy quyền”, “chạy” thi tuyển dụng, thi chuyển ngạch công chức, viên chức… vẫn tồn tại mà rất ít được phát hiện và xử lý.
Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ, các cơ quan chức năng và các địa phương thường xuyên rà soát, tăng cường công khai, minh bạch công tác tuyển dụng, thi tuyển và thi chuyển ngạch đối với công chức, viên chức; kịp thời sửa đổi các thủ tục, quy trình chưa hợp lý; quy định rõ việc phân cấp, phân quyền trong tuyển dụng, bổ nhiệm gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương; xử lý nghiêm các vi phạm.
Cử tri hoan nghênh xử lý án tham nhũng, xử lý, kỷ luật nghiêm một số cán bộ lãnh đạo có vi phạm, gây hậu quả nghiêm trọng, kể cả đương chức hay nghỉ hưu, thể hiện đúng chủ trương “không có vùng cấm” trong đấu tranh chống tham nhũng. Tuy nhiên, công tác phát hiện, xác minh, điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án còn chậm; việc thu hồi tài sản bị tham nhũng còn rất hạn chế ; tình trạng “nhũng nhiễu”, “tham nhũng vặt” của một bộ phận công chức, viên chức trong các cơ quan công quyền chưa được khắc phục.
P.Thảo