Thiết kế cầu Thượng Cát nghi "đạo" cầu Thạch Hãn: Hà Nội nói gì?
(Dân trí) - Lãnh đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội khẳng định phương án đạt giải Nhất trong cuộc thi thiết kế cầu Thượng Cát có những điểm khác so với cầu Thạch Hãn 1 ở Quảng Trị.
Tại họp báo thông tin tình hình kinh tế - xã hội quý I của UBND TP Hà Nội chiều 28/3, phóng viên Dân trí đặt câu hỏi về kết quả xác minh việc kiến trúc cầu Thượng Cát đạt giải Nhất trong cuộc thi tuyển có hình dáng giống với cầu Thạch Hãn 1 ở Quảng Trị.
Trả lời, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Bá Nguyên cho biết dự án cầu Thượng Cát đã được tổ chức thi tuyển kiến trúc vào năm 2023 và hội đồng thi tuyển đã chọn ra 3 phương án để trao giải Nhất, Nhì, Ba.
Sau khi phương án đạt giải Nhất được công bố, dư luận phản ánh kiến trúc này giống với cầu Thạch Hãn 1 ở Quảng Trị. Ông Nguyên cho biết Sở đã tiếp nhận phản ánh và phối hợp với hội đồng thi tuyển để báo cáo UBND TP Hà Nội.
"Về bản chất, hai cầu này có những sự khác biệt chứ không phải giống nhau hoàn toàn, quy mô và các nhịp cầu có sự khác nhau, trong bối cảnh vị trí cảnh quan khác nhau", ông Nguyên nói.
Dù đảm bảo quy trình thi tuyển, ông Nguyên cho biết quá trình triển khai tiếp theo, thành phố đã giao Sở hướng dẫn Ban Quản lý Dự án nghiên cứu phương án để thiết kế cầu Thượng Cát có ngôn ngữ, hình thể kiến trúc và hình thể nhịp cầu có sự khác biệt.
Theo đó, Sở Quy hoạch Kiến trúc sẽ thông qua thường trực hội đồng thi tuyển để ra thông báo kết luận về kiến trúc của cầu trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, các đơn vị sẽ triển khai các bước tiếp theo, đảm bảo đúng chỉ đạo của thành phố.
Hồi tháng 1, Dân trí có bài phản ánh sau khi giải nhất kiến trúc cầu Thượng Cát với tên gọi "Cánh chim hòa bình" được công bố, nhiều người đã so sánh nó với thiết kế cầu Thạch Hãn 1 ở Quảng Trị và đặt câu hỏi về sự giống nhau.
Trước đó, vào năm 2022, thiết kế cầu Thạch Hãn 1 với tên gọi "Đón bình minh" cũng đoạt giải nhất cuộc thi thiết kế kiến trúc do chủ đầu tư tổ chức và đang được thi công.
Một điểm trùng hợp là cả 2 bản thiết kế thắng giải nhất đều là của Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế Giao thông vận tải (TEDI). Ở bản thiết kế cầu Thượng Cát, TEDI có liên danh cùng với Công ty CP Kiến trúc Lập Phương (CUBIC).