Thiên nhiên ưu đãi, tại sao du lịch Việt Nam thua xa các nước xung quanh?
(Dân trí) - Xét về điều kiện tự nhiên, Việt Nam không kém các nước láng giềng, nhưng du lịch Việt Nam lại có khoảng cách xa so với các nước. Chìa khóa của vấn đề này, theo ĐBQH, là tháo gỡ thủ tục visa.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam được các đại biểu Quốc hội thảo luận trong phiên họp tổ chiều 27/5.
Ủng hộ những chính sách mới về visa mà Chính phủ đề xuất, song Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá "nếu thay đổi sớm thì tốt hơn, tới giờ mới làm là muộn".
Vị đại biểu nhắc lại mốc năm 2019 - thời điểm trước dịch, Việt Nam đạt 19 triệu khách quốc tế, còn Thái Lan khi đó là 25 triệu. Năm 2022, Việt Nam đặt mục tiêu phục hồi du lịch sau dịch rất lớn, là thu hút 5 triệu khách quốc tế, nhưng kết quả chỉ đạt 60%. Trong khi đó lượng khách của Thái Lan đạt 11 triệu, Malaysia hơn 9 triệu.
"Tức là phục hồi du lịch của Việt Nam rất chậm. Ngay từ năm ngoái Thái Lan có nhiều chính sách gia hạn visa, kéo dài thời gian lưu trú hay tạo điều kiện cho khách nhập cảnh qua hình thức trực tuyến, còn Việt Nam chưa triển khai được những việc này", ông Hùng so sánh.
Với lượng khách du lịch 3,7 triệu người trong 3 tháng đầu năm, vị đại biểu đánh giá sẽ là một thách thức để đạt mục tiêu 8 triệu khách trong năm nay.
"Xét về điều kiện tự nhiên, Việt Nam không kém gì các nước láng giềng, tại sao du lịch Việt Nam có khoảng cách xa như vậy với các nước?", ông Hùng đặt vấn đề và nhấn mạnh tháo gỡ thủ tục visa là chìa khóa để Việt Nam phục hồi tốt hơn, giúp du lịch Việt cất cánh.
Ngoài ra, ông Hùng đề nghị mở rộng danh sách các nước được áp dụng quy định mới về đăng ký visa trực tuyến, nâng thời gian lưu trú.
Dù vậy, đại biểu góp ý cần cải thiện hệ thống đăng ký visa trực tuyến, tránh tình trạng hệ thống thường xuyên quá tải, bị treo và mất rất nhiều thời gian khi làm thủ tục.
Chung quan điểm, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên Nguyễn Đại Thắng đánh giá nhiều quy định tại dự thảo rất tiến bộ, đổi mới và có ý nghĩa trong cải cách thủ tục hành chính.
"Các quy định như người dân có thể nộp giấy tờ để cấp hộ chiếu trên môi trường điện tử, mở rộng đối tượng được cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn... giúp tiết kiệm chi phí về xuất nhập cảnh, tạo điều kiện cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam", ông Thắng nói.
Ngoài ra, việc tăng thời hạn thị thực điện tử lên 90 ngày, theo đại biểu Thắng, cũng tạo điều kiện thu hút khách quốc tế vào Việt Nam du lịch, công tác và làm ăn.
Ông đề nghị các bộ, ngành liên quan cần phối hợp đưa ra hướng dẫn để chính sách được thực thi ngay sau khi luật được Quốc hội thông qua.
Trong khi đó, Phó trưởng đoàn ĐBQH TPHCM Hà Phước Thắng đề nghị đánh giá lại việc nâng thời hạn tạm trú lên 45 ngày. "Vì sao chúng ta đang tạo điều kiện thu hút đầu tư, hợp tác, du lịch mà không nâng lên 60 hay 90 ngày. Nếu thực sự mở cửa, đảm bảo được an ninh thì nên lấy mức thuận lợi nhất cho Việt Nam, ví dụ nâng thời hạn tạm trú lên 60 hoặc 90 ngày", vị đại biểu góp ý.
Còn Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành nêu đặc thù nền kinh tế của Việt Nam có độ mở rất lớn nên cần có sự đồng bộ về mặt thể chế với những nền kinh tế mở, tránh tạo rào cản cản trở sự phát triển.
"Quy định về thị thực điện tử có giá trị nhiều lần là rất cần thiết đối với du khách đi Việt Nam và qua các quốc gia khác để du lịch. Việc này tránh được những phiền toái khi cấp lại thị thực và cũng phù hợp với luật pháp quốc tế", ông Thành đánh giá.
Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam được sửa đổi, bổ sung theo hướng nâng thời hạn của thị thực điện tử từ 30 ngày lên 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần; mở rộng cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ.
Bên cạnh đó, Chính phủ đề xuất nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực và được xem xét giải quyết cấp thị thực, gia hạn tạm trú…