1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thị trường “chạy đua” cùng xăng

(Dân trí) - Cứ sau mỗi lần xăng tăng giá, giá cả thị trường lại “leo thang”. Sau ngày 25/2, khi xăng làm “cú ngoạn mục”, tăng tới 1.500đ/lít, đồng loạt các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, công ty vận tải, các chợ… cũng rục rịch lên giá mới cho các hàng hoá, dịch vụ của mình.

Lương thực, thực phẩm đồng loạt lên giá

 

Kể từ trước Tết Nguyên đán, liên tiếp nhiều đợt tăng giá khiến người tiêu dùng “chóng mặt”. Người dân chưa kịp quen với đợt tăng giá này, đợt “leo thang” mới đã lại xuất hiện.

 

Dạo một vòng quanh các khu chợ, trung tâm thương mại ở Đà Nẵng, không khí mua bán có vẻ chùng xuống. Người mua thì kêu giá cao quá trời, người bán thì than hàng ế ẩm.

 

Chị Vân, chủ một cửa hàng gạo trong chợ Hoà Khánh (Đà Nẵng) cho biết: Hầu như các loại gạo sau đợt tăng xăng vừa rồi đều “đội giá”, tăng từ 3-5 ngàn đồng/yến. Chợ này chủ yếu phục vụ sinh viên và công nhân, là những người có thu nhập thấp, nên hầu như các “thượng đế” đều không kham nổi mức giá mới, sức mua kém hẳn.

 

Các cửa hàng cá cũng thưa khách hơn. “Người dân vẫn mua cá ăn nhưng họ mua cầm chừng chứ không dám mua nhiều như trước đây. Nhiều người không dám mua những loại cá ngon, cá đắt tiền”, chị Hương, một người bán cá ở chợ Hoà Khánh, cho biết.

 

Hàng trái cây cũng “cất cánh” theo xăng. Hầu như các loại trái cây đều tăng từ 2-3 ngàn đồng/kg. Các loại rau cũng không chịu kém cạnh, rục rịch lên giá mới. “Hiện chúng tôi vẫn bán theo giá cũ nhưng chắc rồi cũng phải tăng chứ không lẽ chở hàng bằng xe đạp à?”, một người bán rau quả trong chợ than.

 

Hầu hết những tiểu thương đều cho rằng, ngoài việc tăng giá chung trên thị trường, hàng hóa còn bị đội giá thêm vì đều được vận chuyển bằng xe máy, ô tô, có liên quan trực tiếp đến giá xăng dầu.

 

Ở các siêu thị, giá cả tăng chậm và “dễ thở” hơn bởi các trung tâm mua bán lớn luôn có nguồn hàng dự trữ; hơn nữa các nhà phân phối cũng chỉ có thể tăng giá khi đã kết thúc hợp đồng cũ. Cũng vì lý do này mà nhiều người dân đã chọn siêu thị thay vì đến chợ như trước đây.

 

Thị trường “chạy đua” cùng xăng - 1

Các loại gạo đồng loạt tăng giá, người mua "méo mặt", mỗi lần đong gạo lại nhẩm tính thu nhập. (Ảnh: Khánh Hồng)

  

Bà Dương Thị Quỳnh Trang, cán bộ phụ trách công chúng và đối ngoại Big C Việt Nam, cho biết: “Hiện Big C trên địa bàn cả nước cũng như tại Đà Nẵng chưa có ý định tăng giá. Có một số đối tác cung ứng và dịch vụ mong muốn tăng giá nhưng trung tâm thu mua của chúng tôi đang thương lượng với họ để bảo vệ hết sức sức mua của người tiêu dùng. Và để có tăng giá thì cũng sẽ tăng muộn nhất và tăng ở mức thấp nhất”.

 

Cước vận tải cũng “leo thang”

 

Nhiều đại diện vận tải liên tỉnh đóng trên địa bàn Đà Nẵng đều cho rằng sẽ phải tăng giá vé nếu không muốn lỗ nặng, vì đặc thù của hoạt động xe khách là chạy theo giờ cố định, dù ít hay nhiều khách cũng cứ đến giờ là phải xuất bến.

 

Đại diện một công ty vận tải cho biết: “Chúng tôi đang bàn bạc lên kế hoạch tăng giá vé. Có thể trong vài ngày tới giá vé sẽ tăng khoảng 18%”. Trong khi đó, một hành khách thường đi tuyến Đà Nẵng - Huế cho biết, từ hôm giá xăng tăng, giá vé đã “tự động” tăng thêm 5 ngàn đồng/vé.

 

Ngay vào đầu tháng 3 này, cước vận chuyển của tất cả các hãng taxi đóng trên địa bàn Đà Nẵng cũng đồng loạt tăng. Đại diện của công ty cổ phần Mai Linh cho biết, mức tăng tối thiểu của hãng sẽ là 500 đồng/km.

 

Ngư dân “xa” biển

 

Chị Thương, một người bán cá, nói thẳng băng: “Xăng dầu tăng thế cá không tăng sao được. Mà có mấy ai đi đánh cá nữa đâu mà cá không tăng”. Chị cho biết: “Nhà tôi trước đây mua tàu hết 200 triệu đồng, bây giờ xăng dầu lên, trụ không nổi mức nhiên liệu mới, phải bán lại với giá 70 triệu đồng”.

 

Ông Phước (phường Hoà Minh, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) cho biết: “Hiện có hàng trăm tàu cá đành nằm bờ vì giá cá bán có tăng nhưng sản lượng khai thác không nhiều, không đủ chi phí xăng dầu. Tàu nhà tôi mấy ngày nay cũng đang nằm bờ chứ không đánh bắt gì cả. Chúng tôi đang xem xét tình hình nếu thấy không tiếp tục ra khơi được nữa thì cũng bán tàu thôi”.

 

Đó là tình cảnh chung của nhiều ngư dân dọc các vùng biển. Vùng biển Nghệ An, tình trạng tàu cá nằm bờ đã diễn ra từ cả tháng nay. Ngư dân có cố đi biển cũng không có lãi vì giá nhiên liệu quá cao. Để tàu nằm bờ lâu cũng xót tàu chóng hư hỏng. Nhiều ngư dân đã chọn giải pháp bán tháo tàu với giá rẻ, mong gỡ lại chút vốn.

 

Vậy là cứ sau mỗi đợt tăng xăng dầu tăng giá, những người nghèo, sinh viên, công nhân, ngư dân… là những đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất. Suất cơm của sinh viên vơi hơn, giỏ thức ăn của mấy bà mấy chị nội trợ cũng nhẹ hơn, nông dân ít lãi hơn sau những buổi chợ, nhiều ngư dân mất kế sinh nhai...

 

Khánh Hồng