Thiếu tướng Đỗ Thanh Bình: Camera AI sẽ phát hiện các xe vi phạm giao thông
(Dân trí) - Cục Cảnh sát giao thông đang triển khai thí điểm gửi cảnh báo vi phạm giao thông, thông qua ứng dụng VNeTraffic đối với các phương tiện vi phạm trên 4 tuyến cao tốc do Cục Cảnh sát giao thông quản lý.
Ghi nhận của phóng viên Dân trí đêm 16/7 tại Trung tâm thông tin chỉ huy Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), dù đã gần 24h nhưng hàng chục cán bộ chiến sĩ thuộc các phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát giao thông vẫn đang tích cực xử lý thông tin về tình hình trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến đường cao tốc.
Thí điểm gửi thông báo vi phạm cho chủ xe trong 2 giờ
Thiếu tướng Đỗ Thanh Bình, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, Cục Cảnh sát giao thông đang triển khai thí điểm gửi cảnh báo vi phạm giao thông, thông qua ứng dụng VNeTraffic đối với các phương tiện vi phạm trên 4 tuyến cao tốc do Cục Cảnh sát giao thông quản lý.

Thiếu tướng Đỗ Thanh Bình, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) (Ảnh: Trần Thanh).
Cụ thể, bốn tuyến cao tốc này gồm: Tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; Tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây; Tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương.
Theo Thiếu tướng Bình, các thông tin về phương tiện vi phạm, hình ảnh phương tiện vi phạm trên các tuyến đường cao tốc sẽ được truyền trực tuyến từ các camera giám sát trên đường cao tốc về Trung tâm thông tin chỉ huy Cục Cảnh sát giao thông.
"Tại đây, cán bộ Cục Cảnh sát giao thông làm việc 24/7 sẽ có nhiệm vụ kiểm tra thông tin phương tiện vi phạm, đối soát với các dữ liệu liên quan như đăng ký xe, xử lý vi phạm, tai nạn giao thông, đăng kiểm, thông tin chủ xe để xác minh, bổ sung dữ liệu, sau đó cảnh sát sẽ gửi cảnh báo đến chủ phương tiện thông qua ứng dụng VNeTraffic trong vòng 2 giờ đồng hồ", Thiếu tướng Bình nói.

Cán bộ cảnh sát giao thông trực, xử lý vi phạm qua hệ thống camera giám sát trên 4 tuyến đường cao tốc đêm 16/7 (Ảnh: Trần Thanh).
Cũng theo Thiếu tướng Đỗ Thanh Bình, để nhận được thông báo, chủ phương tiện phải cài ứng dụng VNeTraffic trên các thiết bị di động.
Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông cho biết, tiến tới, việc xử lý vi phạm trên môi trường điện tử sẽ đem lại hiệu quả cao và thuận lợi cho cả người dân và cơ quan chức năng. Khi đó sẽ hạn chế được việc lập biên bản, ký biên bản nhiều như trước đây, tiết kiệm được thời gian và công sức.
Camera AI nhận diện được bao nhiêu hành vi vi phạm giao thông?
Theo Thiếu tướng Đỗ Thanh Bình, hiện nay muốn áp dụng trí tuệ nhân tạo như camera AI vào việc xử lý vi phạm giao thông, chúng ta cần phụ thuộc vào 3 yếu tố gồm: chất lượng camera; độ thông minh của camera và việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo để rà soát dữ liệu từ các camera giám sát bình thường gửi về trung tâm thông tin chỉ huy.

Theo Thiếu tướng Đỗ Thanh Bình, hiện nay camera AI có thể tự phát hiện 17 hành vi vi phạm giao thông (Ảnh: Trần Thanh).
"Hiện nay ở Việt Nam có tới 4.000 hành vi liên quan tới vi phạm giao thông, nhưng thực tế chúng ta chỉ xử lý được khoảng 100 hành vi. Hiện nay camera AI đã có thể tự phát hiện, nhận biết được 17 hành vi vi phạm giao thông, ví dụ hành vi không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ...", Thiếu tướng Bình chia sẻ.
Cũng theo Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, trong thời gian tới, lực lượng chức năng sẽ tiếp tục tập trung xử lý các nhóm hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới tai nạn và ùn tắc giao thông.
Nói về phương án quản lý, xử lý thế nào đối với các trường hợp xe máy cố tình vi phạm. Trong khi ô tô còn có đăng kiểm, các tài xế phải nộp phạt đầy đủ thì mới được đăng kiểm, còn xe máy chưa có việc này, từ đó dẫn tới việc lái xe máy “nhờn luật” và cố tình vi phạm, Thiếu tướng Bình cho biết, trong thời gian tới, lực lượng chức năng sẽ gửi thông báo vi phạm cho tất cả các phương tiện trong vòng 2 tiếng, kể cả xe máy.
Lực lượng chức năng sẽ xác định, nếu xe máy vi phạm thì ai là người chủ xe, Như vậy, theo Thiếu tướng Bình, thời gian tới, những người nào bán xe hoặc cho tặng thì đều phải sang tên, "chứ không có chuyện trao tay và không có trách nhiệm với chiếc xe máy đó nữa".
"Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ kiến nghị sửa các quy định liên quan như các nước khác, đó là chủ xe, người có tên trong đăng ký xe phải có trách nhiệm về chiếc xe của mình", Thiếu tướng Đỗ Thanh Bình nói.