Thí điểm chính quyền đô thị, Đà Nẵng tiết kiệm 36 tỷ đồng mỗi năm

Tâm An
Đà nẵng

(Dân trí) - Thí điểm mô hình chính quyền đô thị, khi không còn Hội đồng nhân dân cấp quận, phường, bộ máy cơ quan hành chính tinh gọn, Đà Nẵng tiết kiệm ngân sách 36 tỷ đồng mỗi năm.

Trong phiên thảo luận ngày 14/12 tại kỳ họp cuối năm của Hội đồng nhân dân TP Đà Nẵng, đại biểu Lương Công Tuấn, Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố cho biết qua hơn một năm thí điểm mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng, thành phố giảm hơn 200 cán bộ là đại biểu HĐND cấp quận, gần 1.300 đại biểu cấp phường.

Thí điểm chính quyền đô thị, Đà Nẵng tiết kiệm 36 tỷ đồng mỗi năm - 1

Đà Nẵng tiết kiệm chi ngân sách 36 tỷ đồng khi không còn Hội đồng nhân dân cấp quận, phường (Ảnh: Tâm An).

Bộ máy cơ quan hành chính được tinh gọn, tiết kiệm chi ngân sách, thủ tục hành chính giảm, thời gian triển khai kế hoạch nhanh hơn, phù hợp với tính chất của mô hình chính quyền đô thị. Thành phố giảm chi ngân sách 36 tỷ đồng mỗi năm.

Bên cạnh đó, tính năng động hoạt động của chính quyền và trách nhiệm của người đứng đầu các quận, phường cũng được nâng lên. 

Tuy nhiên, các đại biểu HĐND thành phố Đà Nẵng cũng nêu một số tồn tại qua hơn một năm thí điểm mô hình chính quyền đô thị, rõ nét nhất là việc phân cấp, ủy quyền còn gặp nhiều trở ngại trong việc xác định thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong quá trình rà soát các nội dung, nhiệm vụ khi triển khai thực hiện mô hình.

Theo các đại biểu, HĐND thành phố cần kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương một số vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách về tài chính cũng như việc bố trí cán bộ làm ở cấp phường để mô hình chính quyền đô thị triển khai hiệu quả hơn trong thời gian đến. 

Tiếp nhận ý kiến của đại biểu, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết cho biết thành phố đã có báo cáo gửi Bộ Nội vụ và các cơ quan Trung ương về thí điểm mô hình chính quyền đô thị.

Qua đó, Bộ Nội vụ cũng đã có đánh giá về việc tổ chức mô hình thí điểm chính quyền đô thị ở Hà Nội và thành phố Đà Nẵng. Trong đó, đối với Đà Nẵng, Bộ Nội vụ đã có đề xuất điều chỉnh một số nội dung quy định tại Nghị định số 34/2019/NQ-CP của Chính phủ, nhất là một số nội dung còn hạn chế, bất cập trong quá trình tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng.  

Từ ngày 1/7/2021, Đà Nẵng thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị (CQĐT) theo Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội (khóa XIV) về thí điểm tổ chức mô hình CQĐT và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. 

Theo đó, chính quyền TP Đà Nẵng được tổ chức thành một cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND. Chính quyền địa phương ở các quận thuộc Đà Nẵng là UBND quận (không tổ chức HĐND quận). Chính quyền địa phương ở các phường là UBND phường (không tổ chức HĐND phường).

Nghị quyết cũng quy định thẩm quyền của HĐND thành phố trong việc giám sát hoạt động của UBND quận, UBND phường, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân quận; xem xét việc trả lời chất vấn của đại biểu HĐND thành phố đối với chủ tịch UBND quận, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân quận.

Đồng thời, để cụ thể hóa cơ chế chịu trách nhiệm của chủ tịch UBND quận trước HĐND thành phố, nghị quyết quy định HĐND thành phố có thẩm quyền lấy phiếu tín nhiệm đối với chủ tịch UBND quận.