1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thí điểm 8 cơ chế, chính sách đặc thù cho Thanh Hóa

Quang Phong

(Dân trí) - Sáng 16/9, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa.

Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 58, trong đó đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới của khu vực và cả nước.

Về cơ chế, chính sách đặc thù mức dư nợ vay, dự thảo Nghị quyết quy định Thanh Hóa được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ về cho tỉnh vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp.

Thí điểm 8 cơ chế, chính sách đặc thù cho Thanh Hóa - 1

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình.

Theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, Thanh Hóa được áp dụng mức dư nợ vay không quá 20% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp. Theo tính toán của Bộ Tài chính, với mức dư nợ vay 20% theo quy định hiện hành (tính theo dự toán năm 2021) thì mức dư nợ vay tối đa của tỉnh là 2.636 tỷ đồng và dư nợ vay đến ngày 31/12 năm nay của tỉnh dự kiến là 718 tỷ đồng.

Trong trường hợp nâng hạn mức dư nợ vay lên 60% như dự thảo, mức dư nợ vay tối đa của tỉnh là 7.909 tỷ đồng thì tỉnh Thanh Hóa mới đáp ứng đủ nhu cầu huy động trước nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng của Tỉnh.

Tuy nhiên, theo Ủy ban Tài chính Ngân sách, việc đề xuất điều chỉnh mức dư nợ vay lên tới 60% là quá cao, cần tính toán thêm dựa trên mức độ cần thiết, phù hợp với khả năng trả nợ của một địa phương hiện vẫn đang nhận trợ cấp của Trung ương.

Về để lại tăng thu từ xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn, dự thảo cho biết, hàng năm, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho tỉnh Thanh Hóa 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn so với dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao để đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hoàn thành việc di dân, tái định cư trong Khu kinh tế Nghi Sơn, nhằm tạo quỹ đất sạch cho việc thu hút đầu tư các dự án trọng điểm tại Khu kinh tế Nghi Sơn.

Thí điểm 8 cơ chế, chính sách đặc thù cho Thanh Hóa - 2

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng giải trình một số vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh Thanh Hóa.

Về thu từ xử lý nhà, đất, dự thảo Nghị quyết quy định ngân sách tỉnh Thanh Hóa được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của Tỉnh. Theo con số này, kinh phí ngân sách tỉnh được hưởng theo tỷ lệ 50% khoảng 443 tỷ đồng.

Về chính sách phí, lệ phí, HĐND tỉnh Thanh Hóa quyết định áp dụng trên địa bàn tỉnh phí, lệ phí chưa được quy định trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí. Ngân sách tỉnh được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí…

Đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính Ngân sách đồng ý với tờ trình. Còn tại phiên họp, đa số các ý kiến đồng tình với các nội dung dự thảo trình, và hiệu lực áp dụng từ 1/1/2022, thực hiện trong 5 năm.