Theo chân nữ CSGT dẫn đoàn đi phạt nồng độ cồn ở TP.HCM

Thấy nữ CSGT TP.HCM cầm máy đo nồng độ cồn, nhiều người dân cởi mở, bảo rằng các “bóng hồng” rất thân thiện, dịu dàng.

Tối 5/9, tổ nữ CSGT dẫn đoàn thuộc Đội CSGT Tân Sơn Nhất đã phối hợp với các nam CSGT thuộc Đội CSGT Bàn Cờ (PC08, Công an TP.HCM) tiến hành kiểm tra nồng độ cồn tại góc đường Điện Biên Phủ - Hai Bà Trưng (quận 3).

 
Theo chân nữ CSGT dẫn đoàn đi phạt nồng độ cồn ở TP.HCM - 1

Đây là hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của đội hình nữ CSGT dẫn đoàn thuộc PC08, TP.HCM sau khi ra mắt nhằm tạo sự mềm mại, tránh xung đột giữa người vi phạm và CSGT.

Theo đó, khoảng 20 giờ, các nữ CSGT lên xe mô tô đặc chủng di chuyển ra khu vực xử lý vi phạm. Tại đây, nam CSGT Bàn Cờ quan sát thấy các lái xe có biểu hiện nghi vấn thì mời vào để các nữ CSGT đo nồng độ cồn.

Tổ công tác được trang bị khẩu trang, găng tay và dùng ống thổi một lần để đo nồng độ cồn cho người dân. Nữ CSGT cẩn thận kiểm tra máy đo, ống thổi, khâu kỹ thuật nào chưa rõ thì hỏi các nam CSGT để được hướng dẫn thêm.

Theo chân nữ CSGT dẫn đoàn đi phạt nồng độ cồn ở TP.HCM - 2


Các nữ CSGT tranh thủ hỏi thêm các nam CSGT về kỹ thuật đo nồng độ cồn. Ảnh: LÊ THOA

Khi tiến hành kiểm tra nồng độ cồn, nữ CSGT nhẹ nhàng hướng dẫn các lái xe thổi một hơi dài. Nếu không có cồn thì các “bóng hồng” cảm ơn và mời tài xế tiếp tục cuộc hành trình. Đa số người dân khi thấy nữ CSGT thì đều hợp tác, có người còn khen nữ CSGT dễ thương.

Em Huỳnh Mẫn Đ. (19 tuổi, ngụ Bình Thạnh) cho biết đây là lần đầu được nữ CSGT kiểm tra nồng độ cồn (kết quả không có nồng độ cồn). “Các chị nói chuyện nhỏ nhẹ, dịu dàng nên em thấy dễ chịu hơn. Trước đây em cũng đã từng được các anh CSGT kiểm tra nhưng lúc đó thấy áp lực hơn nhiều”- Đ. bày tỏ.

Theo chân nữ CSGT dẫn đoàn đi phạt nồng độ cồn ở TP.HCM - 3

Nam CSGT mời người dân vào đề nữ CSGT đo nồng độ cồn Ảnh: LÊ THOA

Cùng lúc này, một tổ công tác khác, có nữ CSGT đi cùng được bố trí tuần tra bằng mô tô đặc chủng. Tổ này đã phát hiện một trường hợp đi ngược chiều trên đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3) nên mời về khu vực Điện Biên Phủ - Hai Bà Trưng để xử lý.

Người vi phạm là ông Tăng Nhân T. (46 tuổi), ngụ quận 3, có nồng độ cồn lên tới 1.064 mg/lít khí thở. Ông T. thừa nhận mình có uống khoảng bốn chai bia và đây là lần đầu tiên ông bị xử phạt. Khi làm việc với các nữ CSGT, ông T. liên tục nói: “Tôi biết lỗi rồi mà, tôi xấu hổ lắm rồi...”.

Trong quá trình lập biên bản xử phạt, ông T. cũng chia sẻ với nữ CSGT về quá trình vi phạm và có lời khen các “bóng hồng” dễ thương hơn các “đấng mày râu”. Còn nữ CSGT giải thích rõ về mức phạt cho ông T. hiểu.

Theo chân nữ CSGT dẫn đoàn đi phạt nồng độ cồn ở TP.HCM - 4

Ông T. (ngụ quận 3) khen nữ CSGT dễ thương, thừa nhận mình đã sai và thấy xấu hổ. Ảnh: LÊ THOA

Bên cạnh những người vi phạm sẵn sàng hợp tác, tổ nữ CSGT cũng gặp tình huống khó xử. Trường hợp này là một người đàn ông thừa nhận mình đã say. Dù đã được nữ CSGT hướng dẫn thổi đến lần thứ hai nhưng máy đo không hiện lên kết quả.

Lúc này người đàn ông vùng vằng không chịu thổi lại: “Thổi hai lần rồi mà kêu thổi hoài. Để cho người ta nghỉ chứ”. Nói xong, anh này đi ra xa ngồi gọi điện thoại. Dù được nhiều nam CSGT đến thuyết phục, giải thích nhưng anh nhất quyết không đo lại và bảo rằng “đã thổi đàng hoàng rồi”, “em không chống đối”.

Sau nhiều lần thuyết phục không ăn thua, tổ CSGT đành phải mời công an phường đến xử lý. Thấy lực lượng chức năng đến, người đàn ông vẫn khăng khăng mình đúng: “Em hợp tác hai lần rồi. Em biết em say nên em hợp tác hai lần đàng hoàng mà anh nói em không hợp tác là sao,…”.

Cũng tại đây, CSGT cũng đã kiểm tra một nam thanh niên có nồng độ cồn 0.102 mg/lít khí thở.

Trước đó, Đội hình nữ CSGT dẫn đoàn thuộc Phòng PC08, Công an TP.HCM đã ra mắt chính thức vào ngày 25-8. Thượng tá Huỳnh Trung Phong, Trưởng phòng PC08, cho biết bên cạnh việc dẫn đoàn, đội hình nữ CSGT này sẽ tham gia tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm. 
Ông hy vọng với hình ảnh nữ CSGT mềm mại, lời nói nhẹ nhàng sẽ tác động vào ý thức người dân tốt hơn.
“Điều tôi mong muốn nhất là người dân sẽ thấy được sự mềm mại của lực lượng CSGT chúng tôi. Thông qua đội hình này sẽ tuyên truyền luật giao thông đến người dân hiệu quả hơn, xây dựng hình ảnh CSGT thân thiện, gần gũi, cởi mở và văn hóa ứng xử thật tốt”- Thượng tá Phong nói thêm.