Thêm 6 dịch vụ công trực tuyến toàn quốc, tiết kiệm 1.700 tỷ/năm
(Dân trí) - Sáng 1/7, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo giới thiệu việc tích hợp thêm 6 dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, đánh dấu thời điểm có 725 dịch vụ công cung cấp cho người dân, doanh nghiệp.
Xử phạt giao thông, phải lập 2 biên bản, 3 quyết định!
6 dịch vụ gồm: chứng thực bản sao điện tử từ bản chính; cấp mới, đổi giấy phép lái xe mức độ 4; đóng tiếp BHXH tự nguyện; gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình; nộp tiền xử lý vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực giao thông đường bộ thuộc thẩm quyền của thanh tra giao thông; nộp tiền xử lý vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực giao thông đường bộ thuộc thẩm quyền của CSGT.
“Việc tích hợp, cung cấp 6 dịch vụ này có thể giúp tiết kiệm chi phí xã hội khoảng 1.686 tỷ đồng/năm”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết.
Trong đó, dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính giúp tiết kiệm chi phí xã hội là hơn 428 tỷ đồng/năm; dịch vụ cấp mới, đổi GPLX mức độ 4 tiết kiệm hơn 323 tỷ đồng/năm; dịch vụ đóng tiếp BHXH tự nguyện giúp tiết kiệm hơn 209 tỷ đồng/năm; và dịch vụ gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình sẽ tiết kiệm hơn 724,6 tỷ đồng/năm.
Riêng dịch vụ cấp mới và đổi GPLX cấp độ 4 sẽ được thí điểm từ 1/7 tại Tổng cục Đường bộ, Hà Nội và tỉnh Hà Nam, với 3 Bệnh viện ở Hà Nội (Giao thông vận tải, E và Đa khoa Hà Đông) và 8 Bệnh viện, trung tâm y tế ở Hà Nam (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam, Bệnh viện Đa khoa Nam Lý; các Trung tâm y tế huyện: Bình Lục, Kim Bảng, Lý Nhân, Thanh Liêm, Thị xã Duy Tiên và Trung tâm giám định y khoa tỉnh).
Giới thiệu dịch vụ cấp mới, đổi GPLX cấp độ 4, đại diện Bộ GTVT cho biết mỗi năm có khoảng 1 triệu yêu cầu cấp đổi GPLX, dịch vụ này sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí cho người dân.
Theo đó người dân chỉ việc ngồi nhà thực hiện thao tác, thủ tục và GPLX có thể được chuyển đến tận nhà nếu người dân yêu cầu.
Giới thiệu dịch vụ nộp phạt vi phạm hành chính về giao thông thuộc thầm quyền của CSGT, Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó cục trưởng Cục CSGT cho biết CSGT đã triển khai đến 63 tỉnh, thành phố.
“Với dữ liệu của chúng tôi, các quyết định xử phạt cấp đội trưởng, trưởng phòng CSGT đều phải vào phần mềm, sau đó gửi thông báo đến người dân. Hiện đã nhập vào phần mềm khoảng 65% tổng số các biên bản vi phạm, dự kiến hết năm nay triển khai đồng bộ, 100% biên phản xử phạt của CSGT phải thực hiện trên phần mềm”, đại tá Bình nói.
Cung cấp con số từ đầu năm đến nay, lực lượng CSGT xử phạt khoảng 1,6 triệu trường hợp vi phạm, Đại tá Bình cho biết, mỗi trường hợp vi phạm phải lập 2 biên bản và ra 3 quyết định ký bản giấy. Vì vậy, nếu nhân số này với 1,6 triệu thì sẽ tốn kém rất nhiều.
“Nếu việc nộp phạt được thực hiện trực tuyến sẽ giúp tiết kiệm các chi phí này, tiết kiệm công sức và tiền của người dân rất lớn”, Phó Cục trưởng Cục CSGT nhấn mạnh.
Các dịch vụ phục vụ hàng chục triệu người
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, các dịch vụ công được công bố ngày hôm nay hướng tới việc phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu của hàng triệu người dân, doanh nghiệp. Ví dụ, phục vụ việc gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình của khoảng hơn 17 triệu đối tượng; phục vụ hơn 614.000 đối tượng đóng BHXH tự nguyện và có khoảng hơn 38 triệu đối tượng tiềm năng là các lao động chưa tham gia phương thức đóng BHXH nào…
Ngoài ra, ông Dũng nhấn mạnh dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính là dịch vụ quan trọng, có vai trò thúc đẩy số hóa, với giá trị sử dụng của bản sao điện tử đã được chứng thực có giá trị thay cho bản chính, giúp đưa hầu hết các thủ tục hành chính thực hiện hoàn toàn trực tuyến trên môi trường điện tử, cũng như tạo điều kiện để thực hiện các giao dịch số trong lĩnh vực dân sự, kinh tế.
“Như vậy, sau 7 tháng đưa vào vận hành, với dấu mốc là dịch vụ tích hợp số 725, số lượng dịch vụ công trực tuyến được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã tăng gấp 90 lần so với thời điểm khai trương và 4,5 lần so với quý I/2020”, người phát ngôn Chính phủ cho biết.
Ông cũng một lần nữa nhấn mạnh đây là các dịch vụ công thiết yếu, có đối tượng tuân thủ lớn, tần suất thực hiện cao hoặc có vai trò quan trọng trong việc số hóa, thúc đẩy việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử đã được Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành nghiên cứu tái cấu trúc quy trình, tích hợp, cung cấp cho người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các dịch vụ công này đều được tích hợp để thực hiện thanh toán trực tuyến, tạo thêm thuận lợi, giảm chi phí đi lại cho người dân, hạn chế sử dụng tiền mặt.
Thái Anh