Người dân khai sinh cho con ngay tại lễ khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia
(Dân trí) - Một người mẹ mới sinh con tại Quảng Ninh cần khai sinh cho con, một khách sạn đăng ký cấp điện trung áp… đã trực tiếp thao tác trên Cổng dịch vụ công quốc gia ngay sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các lãnh đạo bấm nút khai trương, vận hành hệ thống chiều 9/12.
Sau ít phút thao tác, đại diện người dân cũng như doanh nghiệp đều đã thực hiện được thủ tục cần thiết ngay tại nhà, trước sự chứng kiến của Thủ tướng cũng như toàn bộ quan khách dự dễ khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia.
Ngay sau khi hệ thống báo hồ sơ thực hiện thành công, người dân đã nhận được tin nhắn của các cơ quan về điện thoại báo đã nhận được hồ sơ yêu cầu thực hiện thủ tục và thời hạn giải quyết.
Cổng Dịch vụ công Quốc gia vào vận hành tại địa chỉ dichvucong.gov.vn được hoàn tất sau 9 tháng tích cực triển khai xây dựng. Lễ khai trương Cổng chiều 9/12 có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói ông rất vui mừng và hoan nghênh hàng nghìn người đã có mặt trong buổi lễ khai trương này. Đáng chú ý, 100% lãnh đạo các địa phương của 63 tỉnh, thành, các cán bộ cấp xã và 50 nghìn người dự là con số rất lớn.
“Lễ khai trương hôm nay là một trải nghiệm tốt trong thực hành của chúng ta. Chúng ta cứ mạnh dạn làm rồi tiếp tục cải tiến, nâng cấp”- Thủ tướng nói.
Ông cũng khẳng định việc công khai, minh bạch giữa người xử lý, giải quyết dịch vụ công với người được cung cấp dịch vụ công thông qua mạng điện tử không những giúp chúng ta làm thủ tục nhanh hơn mà còn chống được cửa quyền, hách dịch, ngăn chặn tình trạng “tham nhũng vặt” mà chúng ta đang triển khai quyết liệt để ngăn chặn. “Điều đó đồng thời tạo môi trường đầu tư, chống tiêu cực, tham nhũng”- ông nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng, quá trình thực hiện, xử lý các thủ tục cần sự liên thông giữa các đơn vị trong nội bộ, thậm chí giữa các cơ quan liên bộ, ngành. Do đó, để có thể tiếp tục đơn giản hoá, cải cách thủ tục hành chính, các thông tin liên quan đến người dân, doanh nghiệp cần được chia sẻ trong nội bộ giữa các cơ quan nhà nước. Vì vậy, ông yêu cầu Bộ Thông tin - Truyền thông chủ trì, phối hợp cùng Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương rà soát, đánh giá lại các quy định về thành phần hồ sơ, quy trình nghiệp vụ, từ đó đưa ra hệ thống tổng thể cơ sở dữ liệu cần thiết phải kết nối liên thông chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương.
“Các bộ, ngành, địa phương cần nhanh chóng triển khai cơ sở dữ liệu chuyên ngành chia sẻ với nhau, như vậy mới có thể giảm bớt giấy tờ, đơn giản hoá, cắt giảm thủ tục. Như vậy mới có thể cải cách thực chất, lấy người dân làm trung tâm”- người đứng đầu Chính phủ nêu.
Để theo sát, thúc đẩy mức độ sử dụng thực sự của người dân và doanh nghiệp, Thủ tướng cho rằng cần phải có phương án đánh giá được hiệu quả sử dụng. Thủ tướng đề nghị Bộ Thông tin- Truyền thông chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ có phương án đánh giá hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên toàn quốc. Từ đó xác định rõ các vấn đề còn vướng mắc để tháo gỡ, thúc đẩy việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
“Nếu chúng ta làm ở Trung ương, nhưng các địa phương, các bộ, ngành không thúc đẩy mạnh mẽ thì cổng dịch vụ công này cũng không có tác dụng nhiều đối với việc xử lý các thủ tục mà người dân, doanh nghiệp quan tâm”- Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng chúng ta nói việc tiết kiệm hơn 4.200 tỉ/năm nhờ triển khai cổng dịch vụ công quốc gia nhưng phải được kiểm tra, đôn đốc thường xuyên.
“Tôi yêu cầu anh Mai Tiến Dũng (Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ) và anh Nguyễn Mạnh Hùng (Bộ trưởng Bộ Thông tin- Truyền thông) tổ chức những đoàn kiểm tra ở các bộ và các địa phương, quyết liệt thì mới có thể phát huy được hiệu quả”- Thủ tướng nói.
Ông cũng yêu cầu đẩy nhanh việc xây dựng khung pháp lý để việc thực hiện thủ tục hành chính dịch vụ công trực tuyến có hiệu quả. Cụ thể, trong tháng 1/2020, Bộ Thông tin- Truyền thông chủ trì trình dự thảo Nghị định về định danh và xác thực điện tử. Bộ Công an trình đề xuất xây dựng nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Văn phòng Chính phủ trình dự thảo nghị định về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Ngày 12/3/2019, tại lễ khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký phê duyệt Đề án Cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG) và giao trách nhiệm cho Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương thực hiện.
Trong 9 tháng qua với trách nhiệm được giao, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương để chuẩn bị cho công tác khai trương Cổng DVCQG. Cùng với Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã rất tích cực trong rà soát, chuẩn hóa, nâng cấp cơ sở dữ liệu TTHC; nâng cấp, tích hợp, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng DVCQG liên quan đến người dân, doanh nghiệp, đặc biệt yêu cầu đầu tiên là những dịch vụ nào người dân doanh nghiệp cần thì triển khai trước.
Với phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ”, không bỏ ai lại phía sau trong quá trình cải cách, Cổng DVCQG là đầu mối giúp công khai, minh bạch các thông tin liên quan về thủ tục hành chính và cung cấp, hỗ trợ thực hiện dịch vụ công theo nhu cầu sử dụng, phù hợp với từng đối tượng.
Cổng DVCQG lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ của cán bộ, công chức và cơ quan thẩm quyền trong cung cấp dịch vụ công và đáp ứng mục tiêu, yêu cầu cải cách hành chính, nhất là cắt giảm thủ tục hành chính thông qua việc ứng dụng CNTT.
Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ cung cấp 5 dịch vụ công thực hiện tại 63 tỉnh, thành phố: Đổi giấy phép lái xe; thông báo hoạt động khuyến mại; cấp lại thẻ Bảo hiểm y tế do mất, hỏng; dịch vụ cấp điện hạ áp (phục vụ người dân, hộ gia đình); dịch vụ cấp điện trung áp (phục vụ doanh nghiệp) và tích hợp tiện ích thanh toán tiền điện. cung cấp 4 dịch vụ công thực hiện tại cấp Bộ: Cấp Giấy phép lái xe quốc tế; đăng ký khuyến mãi; nhóm dịch vụ về cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa; nộp thuế điện tử đối với doanh nghiệp.
Ngoài ra, đối với 4 địa phương đã tích hợp trong năm 2019 cung cấp thêm một số dịch vụ công, ví dụ tại Thành phố Hồ Chí Minh là đăng ký hộ kinh doanh và đăng ký thuế; Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng là Đăng ký khai sinh… Trong Quý I năm 2020, các Bộ, ngành, địa phương sẽ tích hợp lên Cổng DVCQG 15 dịch vụ công thuộc các lĩnh vực thuế cá nhân, hải quan, đăng ký kinh doanh, y tế, lao động, khai sinh, giao dịch bảo đảm, lý lịch tư pháp, thu phạt vi phạm giao thông đường bộ…
Cổng DVCQG chính thức đi vào hoạt động được kỳ vọng là công cụ quan trọng, hỗ trợ đắc lực cho quá trình đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam, hướng tới phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội đất nước.
Phương Thảo