Thể xác và tâm hồn: Nghề y dưới góc nhìn văn học

P.V

(Dân trí) - Thể xác và tâm hồn của nhà văn Maxence van der Meersch được chấp bút cách đây đã 80 năm nhưng những giá trị hiện thực và tầm tư tưởng của tác phẩm vẫn còn đúng đến tận ngày hôm nay.

Cuốn sách như một bộ phim truyền hình dài tập, vạch trần những góc khuất trong ngành y cũng như tình trạng kéo bè kết phái tại các trường Đại học và những mối quan hệ chồng chéo xoay quanh gia đình bác sĩ Doutreval.

Nhân vật nữ trong câu chuyện gây ấn tượng cho Thục Nữ đầu tiên đến từ y tá Medeleine Daele, một người điều dưỡng "hy sinh cuộc đời mình cho bệnh nhân của cô".

"Cô phân tích đờm, tiêm thuốc, băng bó, thay thế các sinh viên nội trú, thay thế Seteuil và Santhanas để tiêm ven khi những anh chàng này không dám liều lĩnh trước những cánh tay quá mập khó tìm thấy ven máu."

Trong ngành y, nhiều người chỉ biết đến bác sĩ mà thờ ơ với điều dưỡng, người được xem là cánh tay phải của các bác sĩ. Hơn cả một con người tận tụy với công việc, Medeleine còn là một người phụ nữ dũng cảm khi bà đã nói cho Michel nơi Évelyne đang ở đâu sau khi hai người họ bị cha của Michel, ông Doutreval ngăn cản.

Hành động này có thể khiến cô bị mất việc bất cứ lúc nào nhưng Medeleine vẫn làm, vì cô không muốn đôi trai gái yêu thương sâu đậm phải lìa xa nhau. Một tính cách can đảm đáng ngưỡng mộ ẩn chứa trong một người phụ nữ nhỏ bé.

Thể xác và tâm hồn: Nghề y dưới góc nhìn văn học - 1

Buổi tọa đàm về tác phẩm đã được tổ chức tại đường sách Nguyễn Văn Bình, Thành phố Hồ Chí Minh ngày 21/3 vừa qua.

Nhân vật thứ hai gợi ấn tượng mạnh mẽ với Thục Nữ lại đến từ những người vô danh trong tiểu thuyết, được gọi chung là "bệnh nhân". Ngay đầu cuốn sách, những sinh viên Y phải đến dưỡng đường để thăm khám cho bệnh nhân bằng cách sờ mó khắp thân thể họ.

Cô bệnh nhân trẻ tuổi đã phải quay mặt đi, che giấu những giọt nước mắt xấu hổ. Thục Nữ chia sẻ: "khi đọc đến đoạn này em thấy rất chân thực, nếu không có các cô các chú bệnh nhân thì sẽ không có một người bác sĩ thành tài ngày hôm nay. Em thực sự rất biết ơn những người bệnh đó."

Câu chuyện viết về gia đình ông Doutreval nhưng rõ ràng hơn cả là hình ảnh chàng thanh niên trẻ tuổi, ưa nổi loạn Michel. Một anh chàng nổi loạn, có đời sống phóng túng, tự do nhưng cũng rất tình cảm.

Anh chàng Michel vốn được người cha giáo sư dọn sẵn một hoạn lộ xán lạn nhưng vì tình yêu với Évelyne anh sẵn sàng từ bỏ tất cả, kể cả vinh hoa phú quý để theo đuổi người mình yêu.

Nhân vật Michel được tác giả sáng tác từ những năm 1930s thế nhưng lại mang dáng dấp của thanh niên hiện đại cá tính, dám làm dám chịu, xứng mặt đàn ông. 

Thể xác và tâm hồn, bên cạnh việc làm nổi bật tình yêu nam nữ, thì tình cảm gia đình cũng được đẩy lên cao trào, sau hết gia đình vẫn là nơi chào đón những đứa con trở về. Ngày xưa dân gian thường trọng nam khinh nữ, nhưng với Doutreval, hai người con gái Mariette và Fabienne mới là báu vật, theo suy nghĩ của anh Phong Việt.

Ngay cả phần cuối truyện, điều làm ông thay đổi cũng đến từ phía hai cô con gái. Ông luôn giằng xé giữa việc yêu thương con và giúp các con thành công trong sự nghiệp.

Người ta có thể trách cứ Doutreval lúc đầu đã gay gắt với Michel nhưng hẳn sẽ động lòng trắc ẩn khi câu chuyện đi dần đến kết thúc. Sau một hành trình khó khăn vất vả, Doutreval cuối cùng nhận ra mình đã sai, ông cảm thấy cuộc sống thị phi ở trường Đại học khiến ông thấy ngột ngạt.

Ông lựa chọn vứt bỏ tất cả, về miền quê sống với đứa con gái út và đứa cháu ngoài giá thú. Ở thời điểm đó của nước Pháp, việc có đứa con hoang như vậy là một điều khủng khiếp với một gia tộc danh giá, nhưng Doutreval vẫn thấy hạnh phúc.

Nếu không phải vì tình yêu thương con cái thì còn có thể gọi tên gì khác? Có lẽ, chính Doutreval mới là nhân vật quan trọng nhất của cuốn sách này, Michel chỉ là người đi cùng với Doutreval, theo chia sẻ của anh Phong Việt. Ông có sai lầm, có hướng thiện, trải qua một hành trình cuộc đời nhiều biến cố từ lúc trẻ đến khi về già.

Cuốn sách đứng vững trên văn đàn Pháp không chỉ bởi vì giá trị nhân văn sâu sắc mà còn nhờ tính thực tiễn khi lần đầu tiên, thế giới của những người thầy thuốc được mô tả hết sức chân thực.

Bối cảnh của Thể xác và tâm hồn diễn ra vào những năm đầu thế kỉ XIX, khi sự hiểu biết về y học vẫn còn hạn hẹp.

Thế nhưng những người bác sĩ tận tâm với bệnh nhân như Doutreval, Michel vẫn miệt mài dùng hết trí lực để cứu chữa người bệnh.

Ý tưởng về một loại "thuốc" chữa bệnh lao dựa trên chế độ ăn uống thanh đạm có thể chưa đúng lắm so với kiến thức hiện tại, nhưng cũng góp phần đảm bảo sức khỏe tốt hơn cho người bệnh, tăng đề kháng và tránh các vấn đề cholesterol, tim mạch, theo Bác sĩ Lâm Phương Nam chia sẻ.

Tác phẩm kết thúc bằng phát ngôn này của tác giả: "Chỉ có hai thứ tình yêu: tình yêu chính bản thân ta và tình yêu những người khác. Đằng sau tình yêu chính bản thân ta là đau khổ và tội ác; đằng sau tình yêu những người khác là điều thiện".

Những người thầy thuốc Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung, trong suốt hai năm qua đã gồng mình chống dịch bệnh Covid-19 chính là minh chứng rõ ràng nhất cho tình yêu vô điều kiện đó.