“Thế lực thù địch lợi dụng triệt để internet để kích động, phá hoại"
(Dân trí) - “Các thế lực thù địch, phản động ráo riết gia tăng các hoạt động chống phá nhằm hình thành các tổ chức chính trị đối lập trong nước; triệt để lợi dụng internet để tuyên truyền phá hoại tư tưởng, chia rẽ nội bộ, kích động chống phá Đảng, Nhà nước”.
Theo Bộ trưởng Trần Đại Quang, năm 2014, trong bối cảnh có nhiều yếu tố tiêu cực tác động đến tình hình an ninh trật tự, Chính phủ đã tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 37 và Nghị quyết 63 của Quốc hội. Lực lượng công an đã triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp, tham mưu với Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương cơ bản chiến lược, đồng thời giải quyết nhiều vấn đề bất cập về an ninh trật tự.
Bộ Công an đã phát hiện ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả các hoạt động thâm nhập, phá hoại, kích động, gây rối, bạo loạn của các thế lực thù địch và phản động , bảo vệ an toàn các mục tiêu, địa bàn trọng điểm, đảm bảo an ninh trật tự, giữ vững ổn định chính trị, không để bị động bất ngờ, không để hình thành các tổ chức chính trị đối lập trong nội địa.
Tập trung chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố; tiếp nhận 106.540 tố giác, tin báo tội phạm; kiến nghị khởi tố 37,67% vụ so với năm 2013; đã xử lý 92,04% số các tin báo về tội phạm; chủ động nắm bắt tình hình trên các tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm. Tập trung phát hiện, đấu tranh, xử lý nghiêm minh, kịp thời các băng nhóm tội phạm nguy hiểm, triệt phá các tụ điểm gây mất trật tự xã hội, không để tội phạm lộng hành, gia tăng… Số vụ án khởi tố mới là 77.913 vụ với 121.039 bị can (tăng 2% về số vụ, giảm 2,19% số bị can so với năm 2013).
Qua điều tra các vụ án an ninh quốc gia cho thấy, các thế lực thù địch, phản động ráo riết gia tăng các hoạt động chống phá nhằm hình thành các tổ chức chính trị đối lập trong nước; triệt để lợi dụng internet để tuyên truyền phá hoại tư tưởng, chia rẽ nội bộ, kích động chống phá Đảng, Nhà nước; hậu thuẫn, lợi dụng các đối tượng chống đối ở trong nước, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo và những vấn đề bức xúc của xã hội để lôi kéo, kích động, tụ tập đông người… làm mất ổn định chính trị, xã hội của nước ta.
Tội phạm về trật tự xã hội đã khởi tố điều tra 200.934 vụ, giảm 1,59% về số vụ so với năm 2013. Một số loại tội phạm nghiêm trọng giảm, như: Tội phạm giết người (giảm 7,93%), tội phạm tàng trữ mua bán trái phép vũ khí vật liệu nổ, tội phạm chống người thi hành công vụ. Một số loại tội phạm tăng, như buôn bán người, đánh bạc. Đã phát hiện, triệt phá 4.904 băng nhóm tội phạm, trong đó có một số băng nhóm hoạt động dưới dạng bảo kê, đòi nợ thuê, cho vay nặng lãi, cưỡng đoạt tài sản, cá cược bóng đá… ở vùng giáp ranh giữa đô thị và nông thôn.
Án kinh tế nghiêm trọng, tội phạm ma túy gia tăng vũ khí nóng
Công tác phòng chống tội phạm kinh tế, nhất là tội phạm buôn lậu được quan tâm chỉ đạo quyết liệt, đã phát hiện khởi tố điều tra 1.318 vụ về kinh tế (tăng 1,62% so với năm 2013), trong đó phát hiện đấu tranh và bắt giữ đường dây buôn lậu xăng dầu với số lượng lớn của Công ty TNHH Hoàng Sơn ở Thanh Hóa, buôn lậu xăng dầu qua đường biển Quảng Ninh, đường bộ Lào Cai, Cao Bằng; khám phá đường dây buôn lậu hàng trăm nghìn tấn than từ Việt Nam sang Trung Quốc ở tỉnh Quảng Ninh…
Bộ Công an đã chủ động nắm tình hình, phối hợp với cơ quan điều tra, thanh tra chuyên ngành và thanh tra ngân hàng, đấu tranh phát hiện và bắt các vụ án tham nhũng kinh tế trọng điểm trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, quản lý đất đai. Đã khởi tố 303 vụ với 599 bị can (giảm 3,81% về số vụ, 9,38% về số bị can so với năm 2013)… trong đó có nhiều vụ án tham nhũng lớn, đặc biệt nghiêm trọng.
“Vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, khởi tố bắt tạm giam Đỗ Đức Ngọc - nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Việt Nam; vụ vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động tổ chức tín dụng xảy ra tại ngân hàng Phát triển Việt Nam gây thiệt hại trên 1.300 tỷ đồng; vụ cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và vi phạm các quy định trong hoạt động cho vay trong các tổ chức tín dụng xảy ra ở Tập đoàn Thiên Thanh, Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng…” - Bộ trưởng Trần Đại Quang dẫn chứng.
Tội phạm ma túy, đã phát hiện và khởi tố điều tra 14.977 vụ với 19.271 bị can (giảm 4,11% về số vụ, giảm 4,58% số bị can so với năm 2013); thu giữ 576,7 kg heroin, 224,2 kg và gần 470.000 viên ma túy tổng hợp.
“Qua đấu tranh cho thấy, tội phạm ma túy diễn biến phức tạp trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, đối tượng tội phạm ma túy thường sử dụng vũ khí nóng và chống trả quyết liệt khi bị lực lượng chức năng phát hiện” - Bộ trưởng Trần Đại Quang thông tin.
Trên tuyến biên giới Việt - Lào đã phát hiện đấu tranh với một số nhóm người Mông, quốc tịch nước ngoài, có vũ trang và vận chuyển trái phép chất ma túy với số lượng lớn vào nội địa cho các đối tượng thuộc tỉnh Sơn La (bắt 5 đối tượng, tiêu diện 3 đối tượng). Hoạt động của các đối tượng tội phạm ma túy có yếu tố nước ngoài hoạt động đường hàng không, bưu điện gia tăng với các phương thức, thủ đoạn phạm tội tinh vi.
Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang khẳng định, cơ quan điều tra các cấp đã chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật trong công tác điều tra, tập trung chấn chỉnh các hạn chế thiếu sót, thúc đẩy tiến độ điều tra các vụ án trọng điểm. Chủ động phối hợp với Viện Kiểm sát Nhân dân, Tòa án Nhân dân ngay từ giai đoạn khởi tố bị can, thu thập chứng cứ, nhanh chóng đưa vụ án ra xét xử nghiêm minh trước pháp luật.
Châu Như Quỳnh