1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Thầy trò” Huỳnh Ngọc Sĩ bị đề nghị 5 - 7 năm tù

(Dân trí) - Sáng nay 16/3, TAND Tối cao tại TPHCM mở phiên phúc thẩm xét xử 2 bị cáo Huỳnh Ngọc Sĩ và Lê Quả tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Kháng cáo xin hưởng án treo bị bác, 2 bị cáo bị đề nghị mức án 5-7 năm tù.

Ngay từ sáng sớm, hàng chục phóng viên các báo đài đã có mặt tại tòa để tác nghiệp. Đúng 8h, bị cáo Huỳnh Ngọc Sĩ và Lê Quả được đưa đến tòa. Hai bị cáo bước khỏi xe, vẫy tay chào người thân rồi đi thẳng vào phòng xử án với dáng vẻ bình thản. Tại tòa, 2 bị cáo cho biết sức khỏe bình thường và xin được ngồi để hầu tòa.
 
“Thầy trò” Huỳnh Ngọc Sĩ bị đề nghị 5 - 7 năm tù  - 1

Hai bị cáo Huỳnh Ngọc Sĩ và Lê Quả trong phiên xét xử sáng nay.
 

Phiên tòa còn có sự tham gia của đại diện nguyên đơn dân sự (BQL dự án Đại lộ Đông Tây và Môi trường nước TPHCM) và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (Công ty quản lý nhà TPHCM) theo triệu tập của tòa phúc thẩm.

 

8h30 phiên tòa bắt đầu. Trong phần xét hỏi, chủ tọa phiên tòa tiếp tục làm rõ số tiền sai phạm trong việc cho Công ty Tư vấn quốc tế Thái Bình Dương của Nhật Bản (Pacific Consultants International, viết tắt là PCI) thuê văn phòng làm việc ngay tại trụ sở Ban Quản lý dự án Đại lộ Đông Tây và Môi trường nước TPHCM cũng như mục đích của việc sử dụng số tiền này.

 

Trong khi cấp dưới Lê Quả đồng ý với số  tiền 1,2 tỷ đồng sai phép bị cơ quan điều tra truy tố là hợp lý thì “sếp” Huỳnh Ngọc Sĩ lại… không biết đến số tiền này. Huỳnh Ngọc Sĩ khai: “Bị cáo chỉ nhận 52 triệu tiền anh em chi lại. Còn bị cáo không nhận tiền gì khác và cũng không trực tiếp phân phối số tiền đó nên không biết số tiền chính xác là bao nhiêu”.

 

Bị cáo Lê Quả khai rằng đang phân vân không biết chính xác số tiền cho PCI thuê văn phòng mỗi tháng là bao nhiêu. Có lúc PCI đưa 5.000 USD nhưng cũng có lúc đưa 3.000 USD hoặc 2.500 USD. “Khi cơ quan điều tra hỏi, bị cáo nghĩ việc này đơn giản nên mạnh miệng tuyên bố tiền cho PCI thuê văn phòng làm việc với giá 5.000 USD/tháng. Nhưng thực chất không phải tháng nào cũng thu 5.000 USD mà có tháng thu ít hơn”. 

 

Trước HĐXX, Huỳnh Ngọc Sĩ lại khai rằng, số tiền 1,2 tỷ đồng thực ra là gồm 600 triệu đồng tiền PCI trả phí cho việc thuê nhà. 600 triệu còn lại là tiền PCI bồi dưỡng cho Ban quản lý dự án vì Ban Quản lý dự án đã cung cấp nhiệt tình những thông tin của dự án để PCI làm nhanh hơn. Bị cáo Sĩ còn khẳng định: “Đây là nguồn thu chính đáng chứ không phải là nhà nước bị thiệt hại”.

 

Đại diện viện kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa hỏi: “Bị cáo Quả cho biết, số tiền 1,2 tỷ là tiền gì? Có phải 600 triệu là tiền cho thuê nhà, 600 triệu còn lại là tiền bồi dưỡng, hay là chỉ có tiền cho thuê nhà thôi?”.

 

Bị cáo Lê Quả khai: “Thực chất bị cáo chưa phân định được. Có thể, tiền bồi dưỡng và tiền cho thuê nhà là chung cho 1,2 tỷ đồng”.

 

“Lúc Ban quản lý Dự án mới thành lập còn nhiều khó khăn, cần quan tâm đến đời sống của anh em cán bộ công nhân viên để họ yên tâm làm việc, đẩy nhanh tiến độ dự án nên bị cáo dùng tiền này để bồi dưỡng anh em chứ không có mục đích trục lợi”, Lê Quả tiếp.

Nhưng khi vị Chủ tọa hỏi: “Bị cáo có biết việc làm như vậy là sai không?”, Lê Quả thừa nhận: “Dạ sai!”.

 

Trở lại diễn biến của vụ án, sau khi bản án sơ thẩm được tuyên, ngày 5/10/2009, bị cáo Huỳnh Ngọc Sĩ và Lê Quả đã có đơn kháng cáo, xin được hưởng án treo. Tuy nhiên, Viện KSND TPHCM cho rằng, hành vi của 2 bị cáo có mức độ phạm tội nghiêm trọng, gây  thiệt hại cho nhà nước. Ngày 7/10/2009, VKSND TPHCM đã kháng nghị Tòa Tối cao xét xử theo hướng tăng hình phạt cho 2 bị cáo.

 

Tại tòa phúc thẩm, Huỳnh Ngọc Sĩ cho rằng bản án sơ thẩm có một số vấn đề khiến bị cáo băn khoăn. Việc VKSDN kháng nghị tăng án vì hành vi của bị cáo gây ra mức độ nghiêm trọng và thiệt hại cho nhà nước, bị cáo Sĩ cho rằng: “Tiền bồi dưỡng anh em, tiền cho thuê nhà là nguồn thu không chính đáng nhưng không thiệt hại cho nhà nước. Hành vi này chấm dứt cách đây 8 năm và cũng không nghiêm trọng, không còn gây nguy hại cho xã hội”.

 

Còn bị cáo Quả lại cho rằng: “PCI đến làm việc trong Dự án đại lộ Đông Tây thực chất là họ đưa giáo sư, thầy giáo đến dạy chúng ta. Lẽ ra chúng ta phải đưa người ra nước ngoài học tập, đằng này, lại có thầy vào tận nhà để dạy. Chúng tôi giữ vai trò giám sát nhưng cũng bận quá nhiều việc nên không đủ thời gian nắm bắt thông tin”.

 

Vị Chủ tọa phiên tòa vặn: “Nếu cảm thấy không đủ năng lực giám sát thì báo nhà nước biết để bố trí người khác chứ không thể rước thầy về nhà rồi nhập nhèm vai trò giám sát của mình”. 

 

Kết thúc phần xét hỏi sáng nay, HĐXX đã chấp nhận kháng nghị của Viện KSND TPHCM và bác kháng cáo xin hưởng án treo của 2 bị cáo.

 

Đại diện Viện KSND Tối cao giữ quyền công tố tại tòa cũng đề nghị HĐXX áp dụng khoản 3, Điều 281 Bộ luật Hình sự, tuyên phạt mỗi bị cáo mức án từ 5 -7 năm tù.

 

Chiều nay, HĐXX tiếp tục phần tranh luận và tuyên án. 

 

Công Quang