Thầy thuốc trực APEC
Đã 6 ngày nay, bác sĩ Vũ Đức Định không về nhà. Ông cùng 4 người nữa trong tổ y tế trường trực có mặt 24/24h tại khách sạn Sofitel, một trong những nơi ở của đại biểu APEC. Thời gian diễn ra APEC đối với ông giống như một chuyến công tác xa.
Vinh dự và nhiều trách nhiệm
Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Vụ phó vụ Điều trị, Bộ Y tế, cho biết 16 khách sạn có các đoàn đại biểu APEC đều có tổ y tế thường trực suốt trong những ngày hội nghị diễn ra, mỗi tổ khoảng 5-7 người, bao gồm ít nhất 2 bác sĩ và các y tá, điều dưỡng viên, lái xe. Họ mang theo xe cấp cứu chuyên dụng và đầy đủ thuốc men, dụng cụ, thiết bị y tế để sẵn sàng chăm sóc, cứu chữa khi có người đổ bệnh.
Bác sĩ Vũ Đức Định, công tác tại khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện E (Hà Nội), cũng là một trong số đó. Ông là trưởng tổ y tế 5 người, thường trực ở khách sạn Sofitel từ chiều 11/11, khi những vị khách đầu tiên có mặt. Họ sẽ ở đó cho đến khi đại biểu cuối cùng đã đi.
Ông Định cho biết, từ hôm 11/11 đến nay, mỗi ngày tổ y tế của ông xử lý cấp cứu, điều trị cho khoảng 4-5 bệnh nhân, trong đó có một số đại biểu người nước ngoài, đến từ Nga, Mỹ. Đến nay chưa có ca bệnh nào trầm trọng, chủ yếu là các trường hợp tăng huyết áp do cường độ làm việc căng thẳng, sốt, ho, cảm cúm do không quen với thời tiết.
Khi được hỏi cảm tưởng về nhiệm vụ đặc biệt này, bác sĩ Định nói: “Vinh dự nhưng cũng khá căng thẳng. Đây là một sự kiện quan trọng, nên sức ép của trách nhiệm là rất cao, lúc nào cũng phải chú ý để không xảy ra sai sót”.
Cũng làm nhiệm vụ tương tự như ông Định là bác sĩ Vũ Mạnh Hồng, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô, nay thường trực tại khách sạn Melia cùng 6 người khác. Ông cho biết ngoài các đại biểu nước ngoài bị viêm phế quản, ông còn điều trị cho những người cảnh vệ bị cảm do quá mệt sau những ca trực đêm. “Bản thân chúng tôi cũng cố giữ sức khoẻ. Tuy không nhiều việc nhưng cũng rất mệt vì các đại biểu APEC làm việc thông tầm, hầu như không nghỉ trưa như mình. Đội y tế thay nhau ăn uống, tối thay nhau trực. Những người không trực cũng khoảng 11h mới đi ngủ” - bác sĩ Hồng cho biết.
Thày thuốc có mặt mọi nơi
Không chỉ túc trực ở khách sạn, các nhân viên y tế còn có mặt thường xuyên tại các điểm diễn ra hội nghị, đặc biệt là ở Trung tâm hội nghị quốc gia. Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, người trực tiếp điều phối công tác y tế tại APEC, cho biết ông và các thày thuốc khác có mặt lúc 7h sáng, 1 tiếng trước khi hội nghị bắt đầu. Tuy nhiên, từ 6h sáng, điện thoại của ông đã reo bởi nhiều người muốn hỏi về công việc hoặc báo cáo tình hình. Khoảng 10 giờ đêm ông mới có mặt ở nhà nhưng chuông điện thoại thì vẫn reo sau đó.
Ngoài việc theo dõi chỉ đạo các tổ y tế ở khách sạn, bố trí y bác sĩ đón khách ở sân bay và chăm sóc cho những đại biểu có vấn đề sức khoẻ ngay khi họ đặt chân đến Việt Nam, Bộ Y tế còn có nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho bữa ăn của các đại biểu. Thức ăn cho APEC được lưu mẫu từ khâu nguyên liệu cho đến thành phẩm, các công đoạn mua bán, chuyên chở, chế biến đều được giám sát chặt. Từng cái bát, đôi đũa, từng đôi găng tay, khẩu trang của nhân viên phục vụ đều được kiểm tra kỹ.
“Thức ăn chế biến xong, những người chỉ đạo như tôi và Giám đốc Sở Y tế Hà Nội còn đích thân nếm thử” - ông Khuê nói. Ông rất phấn khởi vì bữa tiệc Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tổ chức trưa 16/11 tại Văn Miếu với lượng khách trên 800 người đã rất thành công.
Sau buổi tiệc đó, các nhân viên y tế lại chuẩn bị cho buổi tiệc ngày 18/11 tại Trung tâm hội nghị quốc gia, do Chủ tịch nước mời lãnh đạo các nền kinh tế và các đại biểu APEC. Để đảm bảo an toàn và ngon miệng cho hàng nghìn khách, y tế đã có khoảng 50 người tham gia công việc này, chẳng hạn như kiểm tra nguồn thực phẩm, điều đình với cảnh vệ để có thể làm thủ tục đưa thực phẩm vào một cách nhanh nhất nhằm giữ sự tươi ngon, giám sát khâu nấu nướng, bày biện… và sẵn sàng cấp cứu nếu có sự cố.
“An toàn thực phẩm được kiểm soát chặt chẽ nên tôi tin tất cả đại biểu APEC có sức khỏe tốt khi ở Việt Nam” - ông Khuê nói.
Theo Hải Hà
Vnexpress