1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Thầy giáo dạy Hóa và trận đánh không thể nào quên!

(Dân trí) - Công sự vừa đào xong thì bị lộ, máy bay địch tới, ném bom như vãi trấu nhưng buộc phải rút lui trước lưới lửa phòng không của các thầy giáo. Dứt trận đánh, cả đơn vị lăn ra ngủ, sáng mai tỉnh dậy tá hỏa khi đêm qua mình... ngủ cùng với địch.

Thầy giáo dạy Hóa và trận đánh không thể nào quên!
Thầy Đặng Danh Lưu kể lại quãng thời gian rời bục giảng tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Trong đoàn giáo viên nhập ngũ tháng 8/1972 của Ty Giáo dục Nghệ An có thầy giáo Đặng Danh Lưu – giáo viên bộ môn Hóa học, Trường cấp 3 Quỳ Châu. 24 tuổi, mới đứng lớp 2 năm nhưng trước lời hiệu triệu của non sông, thầy giáo Lưu cùng 42 giáo viên khác đã gác công việc “gõ đầu trẻ” để hiên ngang bước đi trong hàng quân ra trận.

Sau gần 2 tháng huấn luyện, đoàn quân được lệnh lên đường. Thầy giáo Lưu vinh dự được thay mặt các đồng đội – đồng nghiệp của mình đọc lời tuyên thệ. “Ngày đó mình còn trẻ, nhiệt huyết và tình yêu Tổ quốc chảy rần rần trong huyết quản. Đứng trước đoàn quân, mình dõng dạc đọc huyết tâm thư, người cứ như phát sốt vì khí thế ra trận của các đồng chí, đồng đội dẫu biết trước chặng đường phía trước gian khổ lắm”, thầy Lưu bồi hồi nhớ lại.

Gần Tết, đoàn bắt đầu hành quân vào phía Nam. Mỗi thân hình mảnh dẻ, thư sinh của các thầy giáo phải “cõng” đến hơn 3 chục kg hành lý, quân tư trang. Đường đi gian khổ, nhiều thầy giáo bị sốt rét rừng quật ngã, các đồng nghiệp lại ghé vai vào, người mang giúp hành lý, người cáng đồng đội vượt rừng tới nơi tập kết.

Đoàn quân lặng lẽ đi trong đêm tối, quên mất ngày, mất tháng. Định thần lại, đã là 30 Tết. Bữa cơm giao thừa đầu tiên trong đời lính chỉ có lương khô và những vất vả, nhọc nhằn lẫn hiểm nguy nhưng không thể ngăn cản bước chân những thầy giáo trẻ hướng ra trận tuyến.

Trải qua 2 cái Tết nữa giữa Trường Sơn, đơn vị pháo cao xạ C9 D2 593 của thầy Lưu được lệnh tham gia vào chiến dịch Tây Nguyên. Cùng với đơn vị tăng và bộ binh, pháo cao xạ được lệnh phối hợp đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột. Xe tăng, pháo lặng lẽ đi trong bạt ngàn cao su, cà phê tiến lên cao nguyên Trung Phần (tên gọi khác của vùng đất Tây Nguyên - PV). 3h sáng, lính pháo vào đến nơi, được lệnh đào công sự, bố trí trận địa yểm trợ cho bộ binh đánh vào Buôn Ma Thuột từ phía Tây. Nếu đánh giáp lá cà, đơn vị pháo sẽ hạ nòng xuống 15 độ để đánh như bộ binh.

Thầy giáo dạy Hóa và trận đánh không thể nào quên!
Các đồng chí nuôi quân không dấu được khói khiến trận địa pháo cao xạ bị địch phát hiện và dội bom nhưng cuối cùng máy bay địch bị đánh bật trước sự chiến đấu ngoan cường của pháo binh cùng các đơn vị phối hợp.

Trước giờ mở chiến dịch, tổ nuôi quân chuẩn bị lương thực cho anh em. Thầy Lưu nhớ lại: “Không biết là do quá gấp rút hay do đêm tối mà bếp Hoàng Cầm không giấu được khói bay lên. Hai chiếc máy bay OV-10 “đánh hơi” được, ngay lập tức gọi máy bay tới dội bom. Lúc đầu là khu vực bếp. Anh em nuôi quân vọt lên các công sự. Lúc đó, khẩu đội pháo của tôi ở ngay gần đó nên cũng bị phát hiện.

Địch cắt bom bổ nhào, anh em lập tức triển khai chiến đấu. Các đơn vị pháo bạn yểm trợ. Địch với ta quần nhau, cả trận địa nhuốm một màu đỏ bụi đất. Cuối cùng, máy bay địch cũng bị đánh bật ra khỏi trận địa. Các cánh quân lao lên. Chỉ trong một thời gian ngắn, lực lượng phòng thủ của địch ở Buôn Ma Thuột tan rã, hàng nghìn lính tráng tan tác chạy về xuôi”.

Quần nhau ròng rã cả ngày, những thầy giáo vốn “trói gà không chặt” mệt quá, ngủ thiếp đi. Bất kỳ đâu có thể dựa vào đều trở thành nơi ngả lưng. “Tôi và một thầy giáo khác dựa vào một gốc cà phê và ngủ thiếp đi. Gần sáng tỉnh dậy cả hai tá hỏa khi biết tối qua mình ngủ với... địch. 2 tên lính ngụy đói lả trên đường tháo chạy, mệt quá nên... ghé lưng xuống bên 2 “ông giải phóng” ngủ. Hai anh em trói chúng lại, lấy lương khô cho ăn rồi dong về giao cho bộ phận tiếp nhận tù binh. Đến bây giờ nghĩ lại vẫn thấy “ớn”, nhỡ lúc đó chúng không đói, mệt quá mà vật xuống đó ngủ chắc hai ông “Bắc Việt” cũng “ngủ” luôn rồi”, thầy Lưu hóm hỉnh.

Sau chiến dịch Tây Nguyên, đơn vị của thầy Lưu được lệnh hành quân xuống phía Nam. Sau trận tập kích ở cao nguyên Trung Phần, anh nuôi trưởng Nguyễn Ngũ (trước khi nhập ngũ là Hiệu phó Trường cấp 3 Nam Đàn) dúi vào tay thầy Lưu một bức thư và dặn dò: “Đánh nhau thế này chẳng biết mình hi sinh lúc nào. Nếu mình không còn, cậu cầm bức thư này về trao lại cho vợ con mình”.

“Đến ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng, thật may mắn là cả 2 anh em đều bình yên vô sự. Kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh, tôi trao lại bức thư cho thầy Ngũ. Nhưng 7 đồng nghiệp của mình không có được may mắn trở về với trường lớp, với quê hương...”, đôi mắt thầy giáo già nhòe đi.

Chiến tranh kết thúc, thầy Đặng Danh Lưu được điều về giảng dạy tại Trường sỹ quan thiết giáp (Vĩnh Yên, Vĩnh Phú). Người anh trai hi sinh trong chiến trận, nhà còn người mẹ già cần chăm sóc, thầy Lưu xin chuyển công tác về ngành giáo dục Nghệ An và cống hiến cho sự nghiệp trồng người cho đến khi về hưu.

Hoàng Lam