1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Thấy gì sau 6 năm Formosa Hà Tĩnh gây ra thảm họa môi trường?

Thế Kha

(Dân trí) - Hình thành một phương thức, tư duy quản lý mới các vấn đề môi trường, trọng tâm là chuyển từ bị động giải quyết sang chủ động phòng ngừa kiểm soát, làm chủ công nghệ giám sát.

Báo cáo với đại biểu Quốc hội trước phiên trả lời chất vấn chiều 16/3, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà thừa nhận: "Hiện nay, môi trường nước ta đã và đang chịu áp lực lớn từ các nguồn xả thải gia tăng nhanh về số lượng, quy mô và mức độ tác động".

Cả nước hiện có 291 khu công nghiệp, 730 cụm công nghiệp đang hoạt động; 869 đô thị, 4.575 làng nghề, 13.752 trang trại chăn nuôi; hơn 4,1 triệu xe ô tô và hàng chục triệu mô tô, xe máy đang lưu hành; 13.674 cơ sở y tế; gần 120.000 cơ sở sản xuất công nghiệp; 30 nhà máy nhiệt điện than; trên 5.000 mỏ và điểm khai thác khoáng sản…

Thấy gì sau 6 năm Formosa Hà Tĩnh gây ra thảm họa môi trường? - 1

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.

"Đặc biệt, trong bối cảnh đất nước đang triển khai nhiều giải pháp nhằm phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 thì các áp lực đến môi trường sẽ ngày càng lớn" - ông Hà dự báo.

Hơn nữa, với sự hình thành của nhiều khu tổ hợp, liên hợp với công nghệ phức tạp đã tiềm ẩn đến nguy cơ gây sự cố môi trường, trong đó phải kể đến sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền trung do Công ty Formosa Hà Tĩnh (FHS) gây ra vào năm 2016.

Sau sự cố này, nhiều cơ chế, chính sách mới đã được ban hành, trong đó trọng tâm là sàng lọc, kiểm soát chặt chẽ các dự án, cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, đơn giản hóa thủ tục hành chính và thúc đẩy, khuyến khích các dự án, cơ sở đổi mới công nghệ theo hướng thân thiện với môi trường, áp dụng các kỹ thuật tốt nhất hiện có…

"Kết quả đến nay đã hình thành được một phương thức, tư duy quản lý mới các vấn đề môi trường, trọng tâm là chuyển từ bị động giải quyết sang chủ động phòng ngừa kiểm soát, làm chủ công nghệ giám sát, phòng ngừa ô nhiễm. Đảm bảo các dự án lớn tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao được kiểm soát chặt chẽ; đầu tư các công trình hạng mục công trình xử lý, giám sát đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường, qua đó đạt được nhiều kết quả tích cực" - Bộ trưởng Trần Hồng Hà thông tin.

Theo ông, nhiều dự án lớn như Công ty Formosa Hà Tĩnh (FHS), Công ty Lee & Man tại Hậu Giang, Alumin Nhân Cơ, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa; Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn; Công ty Cổ phần thép Hòa Phát - Dung Quất, một số nhà máy nhiệt điện... đã được kiểm soát chặt chẽ về bảo vệ môi trường để đi vào vận hành chính thức, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng đất nước. Trong đó, sau khi vận hành cả 2 lò cao, Formosa Hà Tĩnh đã đóng góp 1.256 triệu USD tiền thuế vào ngân sách Nhà nước…

Thấy gì sau 6 năm Formosa Hà Tĩnh gây ra thảm họa môi trường? - 2

Hội đồng giám sát liên ngành kiểm tra thực tế tại Công ty Formosa Hà Tĩnh tháng 12/2020 (Ảnh: TN-MT).

Tỷ lệ khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung tiếp tục tăng. Đến tháng 6/2021, cả nước có 263/290 khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung (đạt tỷ lệ 90,69).

Đối với các khu công nghiệp còn lại, các cơ sở trong khu công nghiệp đã có công trình xử lý nước thải cục bộ bảo đảm đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường trước khi xả thải. Với các nhà máy hoạt động ngoài các khu công nghiệp, về cơ bản đã được đầu tư đồng bộ hệ thống xử lý nước thải, khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Đặc biệt các nhà máy có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao đều được đầu tư hệ thống phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trong quá trình vận hành thử nghiệm, vận hành chính thức.

Ngoài ra, đối với các cụm công nghiệp, đặc biệt là cụm công nghiệp làng nghề, ngành công thương và các địa phương đã quan tâm chỉ đạo đầu tư xây dựng thêm nhiều trạm xử lý nước thải tập trung. Tuy nhiên, do đặc điểm ở đây tập trung nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh cá thể nên việc huy động kinh phí xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung rất khó khăn và vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Dù vậy, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường thừa nhận vẫn còn những tồn tại, thách thức cần tập trung giải quyết, xử lý. "Vẫn còn tình trạng một số cơ sở sản xuất công nghiệp xả trộm, lén lút xả thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt quy chuẩn kỹ thuật ra ngoài môi trường" - ông Hà dẫn chứng.

Thời gian Bộ Tài nguyên và Môi trường tới sẽ tổ chức triển khai hiệu quả các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trong đó trọng tâm là thực hiện sàng lọc, phân loại các dự án, cơ sở theo tiêu chí về môi trường để kiểm soát chặt chẽ.

Tăng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm về xả thải để răn đe; xử phạt nghiêm ở mức cao nhất và áp dụng các biện pháp xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động, tước giấy phép môi trường đối với các trường hợp cố tình xả thải trộm, đấu nối đường xả tắt để xả thải không qua xử lý ra môi trường.

Bộ này cũng sẽ kiện toàn hệ thống đường dây nóng về môi trường, kết nối đồng bộ từ trung ương đến địa phương để tiếp nhận, xử lý các thông tin tố giác, hành vi xả thải trái pháp luật từ cộng đồng và người dân; đồng thời đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và có chế tài xử lý nghiêm đối với những cơ sở không thực hiện phân loại chất thải, chuyển giao cho đơn vị không có chức năng xử lý hoặc đổ thải chất thải không đúng quy định.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm